pham-nhat-vuongNhiều người cho rằng, Vingroup được như ngày nay là nhờ tên tuổi của ông Phạm Nhật Vượng. Nhưng nhiều người khác lại cho rằng, ông Phạm Nhật Vượng được như ngày nay là nhờ Vingroup. Giống như câu chuyện con gà và quả trứng. Có lẽ vì vậy mà với nhiều CEO, việc xây dựng nhân hiệu trước hay thương hiệu trước đang là câu hỏi gây ra nhiều tranh cãi và khiến họ phải thực sự cân nhắc.
Phần 1 của chương trình “Thương hiệu DN hay Thương hiệu cá nhân” trên kênh VTV1 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả, CEO.

Câu chuyện chương trình Chìa Khóa Thành Công – CEO đề cập trong phần 1 không phải là hiếm gặp tại nhiều DN Việt hiện nay. Nhằm thúc đẩy hoạt động của Cty, phát triển thị trường một cách hiệu quả và không tốn kém chi phí, CEO của Cty đã dành nhiều thời gian và chi phí để xây dựng thương hiệu cá nhân của mình. Tuy nhiên, các cổ đông của Cty phản đối cách làm này vì cho rằng “CEO đã tận dụng chi phí chung để lo đánh bóng tên tuồi cá nhân, mưu tính lợi riêng và cho rằng cần tập trung vào làm thương hiệu của DN, sản phẩm để phát triển thị trường”. Mặc dù đã ra sức chứng minh và thuyết phục các cổ đông nhưng CEO vẫn không nhận được sự đồng thuận của họ.
Ngày 22/6/2014, chương trình sẽ lên sóng với chủ đề “Truyền thông – Ngân sách eo hẹp” vào 10h, Sáng chủ nhật trên VTV1. Ngay từ bây giờ các bạn đã có thể lên facebook của chương trình để bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.

Nhằm giúp CEO tìm ra giải pháp cho vấn đề này, chương trình đã mời hai chuyên gia là Tiến sĩ Trần Quốc Việt – Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Kinh Đô và chị Nguyễn Thị Hồng Lan – Nguyên Giám đốc Thương hiệu của Ngân hàng Quốc tế VIB đến tư vấn. Theo đó, Ông Trần Quốc Việt cho rằng “Cách làm của CEO là đúng và không ai phủ nhận cả. Nhưng việc các cổ đông chưa đồng tình là vì họ không biết đây có phải là cách duy nhất hay không và liệu rủi ro của cách làm này so với cách làm khác như thế nào?”. Còn chị Hồng Lan thì tỏ ra lo lắng “Tôi e ngại sau 3 năm nữa thương hiệu DN sẽ đi theo anh nếu anh rời bỏ Cty và đó cũng là điều mà các cổ đông của Cty lo lắng”. Vị CEO khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng chỉ rủi ro cao nhất khi anh không còn trên cõi đời này nữa thôi và kể cả điều đó xảy ra Cty vẫn hoạt động bình thường vì đã có thương hiệu. Vì vậy, anh vẫn ra sức bảo vệ quan điểm của mình.
Để tìm hiểu ý kiến của cộng đồng về vấn đề này, chương trình đã thực hiện một cuộc khảo sát thì đối với sinh viên kinh tế và nhân viên trẻ thì số người ủng hộ CEO làm thương hiệu cá nhân là 40%, tỷ lệ phản đối là 60%. Đối với các CEO và đội ngũ điều hành, tỷ lệ ủng hộ là 70%, tỷ lệ phản đối là 30%. Trên các trang mạng xã hội, fanpage của chương trình như facebook, hay kênh CEOtvnet trên Youtube các ý kiến bình luận, đồng tình, phản đối cũng rất sôi nổi và đa số đều đồng tình với các nhận định của hai chuyên gia.

Theo quan điểm của Chị Hồng Lan thì để thuyết phục các cổ đông của mình, CEO cần phải đưa ra những cam kết nhằm phát triển DN một cách lâu dài trước, hướng đến những mục tiêu về kinh doanh của DN. Sau đó, từng bước xây dựng thương hiệu cá nhân, thương hiệu DN theo mục tiêu đấy thì việc thuyết phục các cổ đông sẽ đơn giản hơn. Đồng tình với quan điểm trên, Ông Trần Quốc Việt cho rằng “Ngoài việc làm theo mục tiêu của DN, CEO cần phải hiểu các cổ đông của mình mong muốn điều gì. Bởi nếu ở một DN mà tất cả giá trị chỉ tập trung vào CEO thì không chỉ cổ đông bức xúc mà nhân viên họ cũng bức xúc. Do đó, khi nói về vấn đề xây dựng thương hiệu, CEO hãy nói về thương hiệu của DN trước lúc đó rồi sau đó nói đến thương hiệu của CEO. Những chia sẻ này của các chuyên gia thực sự đã làm cho vấn đề được sáng tỏ và giúp cho các CEO tìm ra được câu trả lời cho vấn đề xây dựng thương hiệu DN hay thương hiệu cá nhân.