Đôi khi có những công việc rất khó để phân loại hay chia nhóm. Bấy lâu nay chúng ta thường phân biệt nhiều chuyên ngành chuyên biệt bên dưới những chuyên ngành lớn hơn, rồi lại bên dưới những chuyên môn bao quát hơn nữa. Nhưng trong đời sống thực tế, công việc của chúng ta lại không luôn tuân theo những ranh giới rạch ròi đó. Xóa nhòa ranh giới hoạt động sự nghiệp và công tác truyền thông.
Các lĩnh vực vẫn thường trùng lặp với nhau hay kết hợp các tính chất công việc lại với nhau. Sự phức tạp đó đòi hỏi phải tư duy liên kết tương quan giữa các hệ thống khác nhau. Đây cũng là trách nhiệm của chúng ta trong bối cảnh này nhằm hệ thống hóa những hiểu biết và quan điểm của các doanh nghiệp và xã hội trong công cuộc phòng chống và vượt qua dịch Covid 19.
Trong một bài viết gần đây của tôi có tựa đề “Lời khuyên cho các công ty: Đừng truyền thông, hãy hành động”, tôi đã chia sẻ về một số xu hướng hành động của các thương hiệu để phản ứng trước ảnh hưởng của đại dịch, bảo vệ nhân viên và giá trị cho các cổ đông. Khách hàng, nhân viên và các cổ đông muốn được nhìn thấy những sách lược của công ty trong việc góp phần vào lợi ích chung, hoặc họ có thể làm gì để chủ động tiếp sức chính phủ trong bối cảnh lượng công việc và trách nhiệm đang quá tải.
Tôi cũng thấy lằn ranh giữa công tác từ thiện và chiến lược truyền thông thương hiệu cũng đang mờ dần. Có một số điều để chúng ta cùng suy ngẫm:
Khi một công ty thành lập quỹ hỗ trợ cho các nhu cầu thiết yếu của nhân viên và gia đình họ trước khủng hoảng – tương tự như các công ty Comcast, Booz Allen… đã thực hiện – hành động đó có phải là vì mục đích từ thiện hay một hình thức mới của thu nhập cơ bản toàn diện cho nhân viên?
Khi Crocs tặng 10.000 đôi giày cho các nhân viên y tế, đó là công tác thiện nguyện, quảng cáo sản phẩm, hay quà cảm ơn cho khách hàng thân thiết?
Khi Rolls Royce, Airbus và Microsoft hợp tác cùng sản xuất máy thở, đó có phải là việc từ thiện hay một hình thức phát triển của mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước mà chúng ta đã lâu không thấy kể từ lần hợp tác giữa GE và NASA sản xuất tàu vũ trụ Apollo 11?
Khi công ty khởi nghiệp Ấn Độ Oyo Hotels & Homes cung cấp chỗ ở miễn phí hoặc giảm giá sâu cho các nhân viên y tế đang chiến đấu chống dịch COVID-19, hành động đó là vì mục đích từ thiện hay PR?
Khi Starbucks trả lương cho nhân viên đủ 30 ngày làm việc kể cả khi họ không có mặt ở chỗ làm, đó là từ thiện hay một dạng kéo dài chế độ nghỉ phép bệnh?
Khi Công ty Zoom cung cấp nền tảng video cho các trường K-12 miễn phí, động tác đó là từ thiện hay một chiến thuật tiếp thị thông minh để sớm gây ấn tượng với một thế hệ mới các khách hàng doanh nghiệp? Hay đó là sự ra đời của một cơ sở hạ tầng kỹ thuật mới?
Điều chúng ta nhận thức rõ hiện nay là, những việc trước đây thường được xem là chiến thuật truyền thông về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nay đã trở thành những hành động thông thường trong sự nghiệp của doanh nghiệp. Và đó là một điều rất tốt. Giờ đây ngày càng nhiều công ty nhận ra mục tiêu của doanh nghiệp không chỉ là làm sao cho có vài dòng thông tin “làm đẹp” trang web công ty, rồi chẳng ai nhớ tới; mà mục tiêu đó cần được đặt làm trung tâm phục vụ của doanh nghiệp để định hướng cho các quyết định kinh doanh quan trọng.
Trong một bài báo khác “Sống cách ly sẽ làm chúng ta… gần lại bên nhau”, tôi cũng đã viết về hoàn cảnh “trớ trêu” trong đại dịch này đó là chính việc giãn cách xã hội lại là nhân tố giúp thắt chặt sự kết nối giữa người với người. Tác giả George Monbiot cũng chia sẻ quan điểm này giống tôi qua bài viết Các bộ phim kinh dị sai rồi: Virus này đã biến chúng ta thành những người hàng xóm đoàn kết. Tôi có cùng chung ý kiến đó: tinh thần cộng đồng của chúng ta càng được nâng cao. Chúng ta đã nhận ra và biết trân trọng hơn những mối quan hệ ngoại giao hoặc thân thiết vốn đã là mối gắn kết của cấu trúc xã hội. Các cộng sự không còn là những mối quan hệ trong công việc đơn thuần, mà trở thành những thành viên trong một đại gia đình lớn của công ty. Những người làm công tác bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho đời sống xã hội trong thời điểm này đều trở thành những người hùng; hay các nhân viên vận chuyển hàng hóa chính là phao cứu sinh của chúng ta.
Trong chính tổ chức mà tôi đang làm việc, tôi cũng đã kết nối giữa nhiều phòng ban, bộ phận khác nhau để kết nối làm việc trên môi trường internet, bất chấp khó khăn hay lỗ hổng kỹ thuật.
Kết nối một – một: Tôi đã thực hiện vô số cuộc gọi trao đổi, thăm hỏi với rất nhiều người, cả những người có thể sẽ ngạc nhiên “Sao chị ấy lại gọi cho mình nhỉ?” bởi vì tôi thật sự quan tâm đến mọi người và đến việc giữ vững một bầu không khí lạc quan và mục tiêu chung cho những ngày rất dài này.
Lòng biết ơn và trân trọng từ những điều nhỏ bé: Tôi giờ đây nhận thấy rõ hơn và biết ơn những đồng nghiệp đang làm việc từng phút để đảm bảo đảm sức khỏe, an vui cho tổ chức và nhân viên, và đặc biệt cho việc bảo đảm sự vận hành xuyên suốt của doanh nghiệp – đó chính là nguồn lực khiến chúng ta luôn hướng đến mọi việc tốt, những điều tích cực mà mình có thể làm. Đội ngũ truyền thông nội bộ của chúng tôi cũng đang tiến hành các chương trình để vận động, củng cố tinh thần gắn kết cộng đồng vượt qua mọi rào cản địa lý.
Rèn luyện, nâng cao kỹ năng, và nâng cao tinh thần chia sẻ: Tôi khuyến khích mọi thành viên trong bộ phận Truyền thông Toàn cầu của mình hãy tranh thủ thời gian gián đoạn công việc này để trau dồi, phát triển chuyên môn nghề nghiệp. Chúng tôi đã thiết lập một chuỗi các lớp học kỹ năng. Các lớp học này có thể trình bày một cách sinh động hơn những nội dung từng được in trong sách Communication Manifestobook năm ngoái. Những buổi huấn luyện sẽ được dẫn dắt bởi đội ngũ hơn 12 lãnh đạo cấp cao của Bộ phận. Dự án này cũng giúp các lãnh đạo cơ hội trau dồi kỹ năng chia sẻ kinh nghiệm, giảng dạy và lãnh đạo, đồng thời các nhóm nhân viên mới, ít kinh nghiệm hơn cũng được hưởng lợi từ việc lĩnh hội thông tin, định hướng cũng như kết nối với đồng nghiệp.
Tính trung thực đối với kỳ vọng: Trong công tác truyền thông nội bộ, chúng tôi hướng đến sự cân bằng giữa tính tích cực và sự thẳng thắn. Chúng tôi đảm bảo tính khả thi trong đáp ứng kỳ vọng của nhân viên đối với ý nghĩa thực sự của những thông lệ mới, chúng là gì, chúng có thể mang đến những ý nghĩa thế nào, và làm sao để ta có thể biến nguy thành cơ – biến cơn khủng hoảng thành cơ hội quý để tái khởi động doanh nghiệp cùng phát triển.
Marian Salzman – Phó Tổng giám đốc cấp cao, phụ trách Truyền thông Toàn cầu của Tập đoàn Philip Morris International (PMI)
Theo Công thương
Để được tư vấn, hỗ trợ, báo giá quảng cáo truyền thông thương hiệu, liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM
? VPGD: Tầng 15, Tòa Nhà HL Tower, Số 82 Duy Tân, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
? Phone: 039.272.6666
☎️ Tel: 024.6689.7777
?E-Mail: info@brandcom.vn
?Văn Phòng HCM: Tầng 12 Tòa Nhà ACB Tower, Đường CMT8, Phường 11, Quận 3, TP HCM
☎️Hotline: 0356.333.555
?E-Mail: vphcm@brandcom.vn