Theo các chuyên gia, với gần 20 năm vận hành nền kinh tế thị trường, song tại Việt Nam việc định giá giá trị của doanh nghiệp (DN) vẫn chưa có một hành lang pháp lý hoàn chỉnh. Điều này cũng gây lúng túng khi định giá thương hiệu khiến nhiều DN thua thiệt khi tiến hành M&A và cổ phần hóa DN.

dinh-gia-thuong-hieu1

Bộ Tài chính cần ban hành qui định thừa nhận thương hiệu là một tài sản của DN và hướng dẫn cách xác định giá trị thương hiệu để các DN ghi nhận giá trị thương hiệu vào Bảng cân đối kế toán
Ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc kiểm toán AVA Việt Nam cho biết, mới đây cuộc chạy đua bảo lưu quan điểm giữa kiểm toán và Cty Cổ phần Kinh Đô về khoản 50 tỷ đồng thể hiện bằng giá trị thương hiệu khi Kinh Đô (mẹ) góp vốn vào Cty TNHH Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô (con) vẫn chưa có hồi kết.

Khoảng trống pháp lý

Lý do, kiểm toán viên không công nhận khoản góp vốn bằng giá trị thương hiệu bởi trong báo cáo tài chính, khoản góp vốn 50 tỷ đồng của Kinh Đô mẹ vào Cty con không thoả mãn chuẩn mực kế toán Việt Nam của Bộ Tài chính… Theo Ban lãnh đạo Kinh Đô con số 50 tỷ đồng được đề cập thực tế là giá trị ghi nhận của khoản đóng góp bằng thương hiệu của Kinh Đô vào DN trong vòng 20 năm qua và hoàn toàn không liên quan đến giá trị thương hiệu trên thị trường thời điểm hiện tại.

Hơn thế, nghiên cứu ý kiến của kiểm toán về trường hợp của Kinh Đô nhiều DN nhận thấy, không có quy định pháp lý cụ thể nào cho việc định giá thương hiệu.

Ngay cả trong quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam thời gian qua, tài sản vô hình nói chung, hay thương hiệu nói riêng, chưa được chính thức công nhận trong các báo cáo tài chính của các DN. Ngay Quyết định 206/2003/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định chưa quy định thương hiệu là tài sản cố định vô hình, nên chưa có cơ sở hạch toán khi các DN tham gia đấu giá, CPH hay IPO lần đầu ra công chúng… Điều này gây nhiều trở ngại và thiệt thòi cho DN trong quá trình định giá DN và khi IPO. Thậm chí nhiều DN lúng túng trong việc định giá thương hiệu khi có nhu cầu cổ phần hóa hay góp vốn bằng thương hiệu.
Nhiều DN lúng túng trong việc định giá thương hiệu khi có nhu cầu cổ phần hóa hay góp vốn bằng thương hiệu.

Về giá trị thương hiệu, Thông tư số 146/2007/TT – BTC ngày 06/12/2007 quy định: “Giá trị thương hiệu (bao gồm: nhãn hiệu, tên thương mại) được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc sáng chế, xây dựng và bảo vệ nhãn mác, tên thương mại của DN trong 10 năm trước thời điểm xác định giá trị DN hoặc kể từ ngày thành lập đối với các DN có thời gian hoạt động của DN ít hơn 10 năm… Có thể nói, quy định nêu trên của Thông tư 146 là quy định pháp lý duy nhất ở Việt Nam liên quan đến việc xác định giá trị thương hiệu… Tuy nhiên, các qui định trên chỉ có ý nghĩa đối với việc CPH các DNNN. Do đó, việc xác định giá trị, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết… bằng giá trị thương hiệu đối với các DN tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta đến nay vẫn còn là… một khoảng trống bỏ ngỏ.
Theo các chuyên gia, thương hiệu không thể hình thành trong “một sớm, một chiều”. Để tạo ra thương hiệu cần một lượng vốn nhất định, đó chính là khoản chi phí đầu tư. Vì vậy, thương hiệu là tài sản, là tiền của DN.

Gỡ rào cản định giá thương hiệu

Để tạo hành lang pháp lý cho khu vực DN phát triển và để Việt Nam sẽ có những thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế, ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc kiểm toán AVA VN cho biết, Bộ Tài chính cần ban hành qui định thừa nhận thương hiệu là một tài sản của DN và hướng dẫn cách xác định giá trị thương hiệu để các DN ghi nhận giá trị thương hiệu vào Bảng cân đối kế toán. Đó là cơ sở pháp lý để góp vốn liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, nhượng quyền thương mại… bằng giá trị thương hiệu. Đồng thời cho phép các DN được góp vốn đầu tư, liên doanh, liên kết bằng giá trị thương hiệu. Trong thực tế hiện nay, có khá nhiều trường hợp đã thoả thuận góp vốn thành lập DN, liên doanh, liên kết… bằng giá trị thương hiệu. Song, do chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho nên những trường hợp góp vốn đó chưa được pháp luật thừa nhận. Nếu vấn đề này sớm được giải quyết, đây sẽ là một tín hiệu vui đối với các khu vực DN tư nhân đã và đang tạo dựng được thương hiệu mạnh trên thương trường.

Tuy nhiên, việc xác định và ghi nhận giá trị thương hiệu ở Việt Nam hiện nay gặp một khó khăn chưa thể giải quyết được. Nguyên nhân cơ bản là, các chuẩn mực kế toán VN hiện nay được thiết kế theo nguyên tắc ghi nhận giá trị tài sản từ chi phí phát sinh tạo ra nó. Trong khi đó, việc ghi nhận giá trị thương hiệu chỉ có thể thực hiện nếu các chuẩn mực kế toán cho phép ghi nhận giá trị tài sản từ lợi ích sẽ thu được của tài sản đó trong tương lai.

Ông Richard Moore – Giám đốc Công ty Richard Moore Associates:

Phải tới 80% DN thất bại sau M&A có nguyên nhân từ việc chưa đánh giá đúng giá trị thương hiệu. Trên thế giới có 2 tập đoàn của Mỹ chuyên định giá thương hiệu bằng USD, còn ở Việt Nam, chưa có Cty nào thực hiện công việc này.

Tuy nhiên, không phải lúc nào thương hiệu cũng được định giá bằng tiền. Giá trị vô hình của thương hiệu nhiều khi lại nằm ở cảm nhận của khách hàng, ở hệ thống phân phối mà họ đã xây dựng được.

Câu chuyện thương hiệu Diana của Cty cổ phần Diana là một ví dụ. Năm 2011, khi Diana bán 95% cổ phần cho Tập đoàn Unicharm (Nhật Bản), thương hiệu này được định giá 10 triệu USD. Khi đó, thị trường hiểu rằng, con số này không chỉ đơn thuần là giá trị tài chính, mà hơn thế, gồm cả khả năng của Diana trong phát triển hệ thống phân phối.

Hoặc như Bibica, mặc dù bị thua lỗ trong 3 năm liền, nhưng giá trị của thương hiệu Bibica không hề nhỏ, bởi vì họ sở hữu hệ thống phân phối sâu rộng trên cả nước.

Thậm chí, trong trường hợp một Cty bị khủng hoảng tài chính, giá trị lợi nhuận và ưu thế trên thị trường giảm sút, không có nghĩa là thương hiệu của DN này không còn giá trị. Do vậy, chúng ta cần phân biệt rõ tài chính thực tế và tiềm năng phát triển của DN.

Theo DĐDN

.