Một người làm Content Writer có lẽ sẽ khó mà viết hay từ lúc ban đầu. Việc viết hay, viết đúng, viết trúng phải trải qua cả 1 quá trình rèn luyện và phấn đấu không ngừng. Mặc dù viết lách thì phụ thuộc vào tư duy, cảm nhận của mỗi người nhưng vẫn tồn tại một số quy tắc, kỹ thuật nhất định. Kể cả một số người “trong ngành” lâu năm chưa chắc đã nằm lòng những điều này. Sau đây là 7 kỹ thuật viết lách cốt lõi của một người xây dựng nội dung Marketing nhé!

Kỹ thuật 1: Sử dụng ngôn từ sinh động để đơn giản hóa mọi thứ

Đây được hiểu là khả năng sử dụng ngôn ngữ đa dạng, phong phú để chuyển đổi những kiến thức, định nghĩa, ý niệm trừu tượng trở nên dễ đọc, dễ hiểu. Như thế thì người đọc sẽ nắm bắt tốt hơn và ghi nhớ được nhiều các thông điệp mà người viết muốn truyền tải. Một số từ chuyên ngành đọc qua tưởng là ý nghĩa đao to búa lớn nhưng không hẳn, nó luôn được xuất phát từ những điều nhỏ nhất. Điểm mạnh của một Content Writer là biết so sánh, vận dụng để đưa sự phức tạp về đơn giản.

Hãy cố gắng biến những điều phức tạp trở nên đơn giản nhất có thể. (Nguồn: Search Engine Journal)

Ví dụ, khi bạn giải thích thuật ngữ Pain Point, bạn không nên chỉ nói đó là “điểm đau khách hàng”. Bởi như vậy sẽ chung chung, mơ hồ. Bạn nên giải thích thêm với người đọc, rằng Pain Point là những vấn đề cụ thể mà khách hàng hiện thời cũng như khách hàng tiềm năng của bạn đang gặp phải. Ví dụ, hiện nay các bậc phụ huynh khi tìm gia sư cho con cái mình, họ thường quan tâm đến các khía cạnh như: Gia sư giới tính gì? Trình độ bằng cấp ra sao? Khả năng truyền đạt như thế nào? Gia sư là người quen giới thiệu hay từ các trung tâm?… Thế nhưng nếu hiểu sâu hơn, chúng ta còn nhìn ra được một thực tế là, các bậc cha mẹ rất sợ con cái mình rơi vào những trường hợp như gia sư giở trò đồi bại, tiêm nhiễm những thứ xấu xa, gia sư dạy theo kiểu truyền thống mà không chịu cập nhật những kiến thức mới… Khi viết ra được tường tận như vậy, sẽ chẳng có ai mà không hiểu nội dung bạn viết cả đâu!

Kỹ thuật 2: Logical Flow

Đây được hiểu là kỹ thuật phân luồng nội dung một cách hợp lý để độc giả không bị phân tâm, dễ theo dõi. Hay nói cụ thể hơn thì là việc lên khung bài, dựng dàn bài. Một bài viết lan man, không được chia bố cục rõ ràng và không có nội dung nhắm vào cụ thể thì khó để người đọc nắm bắt được. Để thực hiện được kỹ thuật này, bạn cần có trong đầu chủ đề/concept nhất định. Sau đó thì bạn nên tự đặt câu hỏi cho mình: Nên viết một cách sáng tạo mới hoàn toàn hay viết hướng cũ nhưng theo cách khác?

Nội dung cần theo một Logical Flow nhất định. (Nguồn: Lynda)

Lời khuyên cho mỗi Content Writer chính là việc viết mạch lạc phân ra các phần tiện theo dõi và đặc biệt là phải đảm bảo tính logic, lý trí. Một số dạng nội dung mà các người xây dựng nội dung hay sử dụng đó là “Các bước…”, “Top XX…”, “XX bài học”… Các ý trong bài viết có thể được bổ ngang hay bổ dọc theo nội dung. Ví dụ như khi phân tích về chiến lược của một nhãn hàng trong 10 năm, bạn có thể triển khai theo giai đoạn trong 10 năm đó chia ra như thế nào. Hoặc bạn có thể triển khai những công thức chung nhất mà nhãn hàng đó đã sử dụng trong suốt khoảng thời gian trên.

Kỹ thuật 3: Viết đơn giản, ngắn gọn, ý nghĩa

Đôi khi việc “nặng trình bày” và kể lể sẽ khiến mạch văn bị lê thê và người đọc sẽ không muốn theo dõi tiếp nội dung. Trên thực tế hiện nay người đọc dành ít thời gian đọc hơn mà phần lớn là họ lướt nội dung. Do đó bạn cần làm ngắn gọn đơn giản nội dung nhất có thể. Theo nhiều chuyên gia trong ngành viết lách, thì một câu cần đầy đủ các kết cấu chủ vị, trạng ngữ (nếu có) và thường nên trên dưới khoảng 20 – 30 chữ/câu. Ngoài ra, trong quá trình viết, bạn cũng cần để ý tiết tấu của bài viết thông qua số chữ. Một mẹo nhỏ là bạn có thể viết các câu với độ dài ngắn khác nhau để tạo ra nhịp nhanh chậm khác nhau. Như thế khi đọc bài, nội dung cùng tiết tấu đọc cũng được truyền tải một cách sâu sắc, lắng đọng hơn.

Kỹ thuật 4: Chuyển câu/đoạn mượt mà

Có một sự thật là người đọc hay để ý những cụm từ chuyển câu/chuyển đoạn. Ví dụ như “Nhưng”, “Mặt khác”, “Ngoài ra”… Việc chọn dùng viết những câu chuyển đoạn hay ho, mượt mà giúp người đọc dễ đọc lướt từ câu này sang câu khác, từ đoạn này sang đoạn khác. Như đã nói ở trên thì việc này cũng làm tăng tính nhịp điệu, tiết tấu của toàn bài. Nội dung truyền tải dễ dàng hơn, người đọc sẽ có thêm cơ sở để liên tưởng, suy ngẫm về những điều mà bạn viết.

Kỹ thuật 5: Tránh từ thừa, từ sai

Chúng ta lại bàn về câu chuyện viết văn “lê thê”. Sau khi đã viết xong, bạn nên đọc lại khoảng từ 3-5 lần, xem những từ nào đồng nghĩa, từ thừa có thể lược bỏ được để câu văn trở nên xúc tích và cô đọng hơn. Để làm được điều này, bạn cần có một vốn từ đúng đắn, một kho tàng từ vựng hay ho. Nếu như bạn đưa những từ sáo rỗng, “sến súa” vào bài viết thì vừa làm bài viết dài, vừa khiến người đọc có ác cảm với chính nội dung. Người đọc bây giờ họ rất “tinh”, họ cũng sẽ biết đâu là bài viết hay, đâu là bài viết dở.

Nội dung viết ra cần ngắn gọn, xúc tích, tránh những từ thừa. (Nguồn: Digital Vidya)

Kỹ thuật 6: Viết tường minh, chính xác mọi thông điệp

Thường thì Content Writer sẽ bắt đầu với việc viết sau khi nhận các idea, brief từ dự án, chiến dịch của những người làm kế hoạch. Trước khi nghĩ ý tưởng, bạn cần nắm rõ những thông điệp mà nhãn hàng muốn truyền tải đến người dùng/khách hàng tiềm năng. Ví dụ như thương hiệu về sữa trẻ em gửi đến thông điệp “Các bậc cha mẹ hãy mua những sữa không hóa chất để đảm bảo sức khỏe cho con mình”. Thì bạn không được viết rằng “Các trẻ em hãy bảo bố mẹ mua sữa không hóa chất để đảm bảo sức khỏe chính mình”. Hai điều này nghe có vẻ gần giống nhau nhưng điều số 2 thì vô lý hoàn toàn. Do đó, nắm bắt đúng nội dung, thông điệp là một kỹ thuật quan trọng đối với những nhà sáng tạo, xây dựng nội dung.

Kỹ thuật 7: Viết chuẩn SEO

Là một người làm công việc Content Writer, bạn bắt buộc phải học kỹ thuật viết bài chuẩn SEO Web. Theo đó là những kỹ năng như nghiên cứu từ khóa và tối ưu nó để tăng lưu lượng tìm kiếm mà không phải trả tiền, chèn ảnh, thuộc tính ảnh, chèn backlink…

Việc viết bài chuẩn SEO không phải là một điều gì đó quá khó để học, thậm chí bạn có thể tự mày mò mà không cần qua trường lớp. Ngoài ra, với những bạn Content Writer mới vào nghề, bạn có thể tìm những chỗ thực tập để được dạy kỹ hơn về kỹ thuật viết nội dung chuẩn SEO Web. Khi viết chuẩn SEO, chú ý đừng quên tính độc đáo, ý nghĩa của nội dung. Nếu không thì bài viết của bạn sẽ lọt thỏm trong hàng trăm ngàn bài chuẩn SEO cùng từ khóa ngoài kia.

Viết bài chuẩn SEO là một kỹ năng cần thiết của Content Writer. (Nguồn: Tdfoss)

Kết

Trên đây là 7 kỹ thuật viết lách mà bất cứ Content Writer nào cũng cần phải nắm bắt. Tất nhiên việc hoàn thiện 7 kỹ năng này không chỉ là ngày một ngày hai mà bạn có thể học được. Hãy luôn trau dồi kỹ năng viết từng ngày, không ngừng sáng tạo nội dung để bạn tăng thêm thu nhập, kinh nghiệm cho công việc viết lách của chính bản thân mình nhé!

Quang Minh – MarketingAI

CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM
VPGD: Tầng 15, Tòa Nhà HL Tower, Số 82 Duy Tân, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Phone: 039.272.6666
Tel: 024.6689.7777 / 024.6689.7777
E-Mail: info@brandcom.vn
Văn Phòng HCM
Tầng 12 Tòa Nhà ACB Tower, Đường CMT8, Phường 11, Quận 3, TP HCM
Hotline: 0356.333.555
E-Mail: vphcm@brandcom.vn