Chuyện xây dựng thương hiệu xưa nay vốn không ít kinh nghiệm thực tế. Mỗi câu chuyện sẽ cho bạn thấy một khía cạnh nhỏ trong quá trình xây dựng thương hiệu của mình. Tuy nhiên, là một thương hiệu mới, tự bản thân bạn cũng hiểu rằng không hề dễ dàng cho một “newcomer ví mỏng”. Cơ hội thân nhập tâm trí khách hàng là rất khó khăn. Đặc biệt là khi thị trường bạn tham gia đã “đỏ rực”, trong khi chính bạn chưa có ý tưởng tuyệt vời nào để tạo cho mình khác biệt.
Nếu không thể “chuyển màu đại dương”, hãy chuyển màu trong tâm trí khách hàng!
Bạn nghĩ sao? Tất nhiên, để chuyển màu thành công, cần một quá trình dài, rất dài, và phải bước đúng ngay từ những bước chân đầu tiên.
Xây dựng thương hiệu nên bắt đầu từ đâu?
1. Xây dựng chiến lược hình ảnh thương hiệu
Cũng giống như Khởi sự kinh doanh, để có một thương hiệu tốt bạn phải chuẩn bị một chiến lược hình ảnh đầy đủ, cụ thể. Và bắt đầu bằng việc liệt kê những đặc điểm của thương hiệu, xác định rõ đặc điểm nổi bật nhất (hoặc đặc điểm mà bạn có nhiều tiềm lực để biến nó trở nên nổi bật nhất), tập trung toàn diện để xây dựng nó thành điểm khác biệt thương hiệu.
Nhớ một điều rằng bạn nên định tính, định lượng và xây dựng hình ảnh cụ thể cho điểm khác biệt thương hiệu. Hãy thật cụ thể! Từ khác biệt này, bạn bắt đầu xây dựng kế hoạch cụ thể trong chiến lược xây dựng hình ảnh thương hiệu, và tiến từng bước theo nó.
2. Xây dựng hình ảnh thương hiệu trong nội bộ công ty
Mỗi nhân viên của bạn là một đại sứ thương hiệu tuyệt vời nhất trong mắt khách hàng. Trước khi nhớ tới thương hiệu. khách hàng thường sẽ bị ấn tượng bởi phong thái, niềm tin và tình yêu thương hiệu của chính nhân viên. Vì thế, bạn phải khiến nhân viên của mình yêu thương hiệu bằng tình yêu chung thủy, và bằng cả trái tim.
Việc truyền lửa phải khởi nguồn từ lãnh đạo. Hãy chia sẻ với nhân viên của bạn lý do thương hiệu ra đời, những điều tuyệt vời thương hiệu muốn mang tới cho khách hàng, điểm khác biệt mà thương hiệu theo đuổi….
Tình yêu là một thứ bệnh dễ lây nhiễm!
Vì thế, hãy “lây” tình yêu của bạn cho nhân viên bằng nhiệt huyết của bạn, bằng hành động của bạn, bằng chính trái tim bạn, và con người bạn.
3. Đồng nhất hình ảnh thương hiệu
Cũng tức là bạn phải xây dựng bộ nhận diện thương hiệu.
Tới đây có lẽ bạn đang giãy nảy lên vì sự mâu thuẫn với cái “ví mỏng” đầu bài tôi đã viết. Tất nhiên bạn không có nhiều tiền, và thực ra ý của tôi không phải là việc bạn phải xây dựng cả cái bộ nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp mà các chuyên gia thương hiệu vẫn rao rảng. Nghe thật to tát và dễ gây ngợp. Ý của tôi đơn giản lắm! Bộ nhận diện thương hiệu của bạn khi mới khởi nghiệp chỉ cần bao gồm:
Logo: Đây là yếu tố bắt buộc phải có, và bắt buộc phải “tốt”. Một logo tốt sẽ là hành trang tuyệt vời và vô cùng hữu hiệu trong quá trình xây dựng hình ảnh thương hiệu của bạn.
Logo cũng cho thấy sự nghiêm túc của bạn trong hoạt động kinh doanh, là hình ảnh sẽ theo chân bạn trên mọi nẻo đường, mọi ngõ ngách thương hiệu xuất hiện. vậy nên, nếu không phải một logo tốt thì còn tệ hơn việc bạn không có logo…
Logo tốt là một biểu tượng hoàn toàn phù hợp với tính chất thương hiệu, phù hợp với đặc tính khác biệt, phù hợp với cốt lõi thương hiệu, và tất nhiên phù hợp với văn hóa và con người thương hiệu.
Slogan: Là tinh thần của thương hiệu, slogan góp phần mang tới cho khách hàng cảm xúc nhất quán về sản phẩm/dịch vụ, về tinh thần thương hiệu.
Chỉ một Slogan ngắn gọn thôi sẽ giúp nhân viên của bạn không phải nhai đi nhai lại về tầm nhìn, mục tiêu, hay cam kết thương hiệu,… Thật lòng mà nói thì dù họ có nhắc đi nhắc lại cả trăm lần với khách hàng, thì nội dung nhân viên của bạn cung cấp vẫn không thật sự đáng tin bằng một câu định vị sáng tạo, ấn tượng và sâu sắc!
Màu sắc: Hãy lựa chọn một màu sắc phù hợp và gắn liền với mọi hoạt động của thương hiệu. Điều này tối quan trọng trong chiến dịch “chuyển màu” tâm trí khách hàng mục tiêu.
Màu sắc gắn liền với trí tuệ cảm xúc của con người. Mỗi sắc màu sẽ kích thích một hoặc nhiều cảm xúc riêng với người xem, và khoa học đã chứng minh rằng: Thứ cảm xúc đó sẽ góp phần vào quyết định mua, một phần ảnh hưởng tới quyết định “tái mua”, và tất nhiên cả lòng trung thành với thương hiệu của khách hàng.
4. Truyền thông
Bạn sẽ không thể thành công nếu không truyền thông tích cực về hình ảnh thương hiệu của mình. Tiếp cận khách hàng mọi lúc, mọi nơi là cách đơn giản nhất gắn hình ảnh thương hiệu vào tâm trí họ. Khi bắt đầu bạn chưa có nhiều kinh phí cho truyền thông, bạn có thể tận dụng một số kênh truyền thông miễn phí như: Fanpage, Blog, Youtube, Diễn đàn, Người nổi tiếng trong cộng đồng của bạn, Không gian thương hiệu, Khách hàng, Báo điện tử chuyên ngành,…
Mỗi kênh truyền thông nếu biết cách tận dụng và tận dụng tốt chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tuyệt vời cho thương hiệu. Ví như bạn có thể mời những người nổi tiếng trong cộng đồng của mình sử dụng miễn phí sản phẩm/dịch vụ, không cần yêu cầu bất cứ điều gì. Chỉ vài lần như vậy họ sẽ cảm thấy “ngại” và muốn làm gì đó đáp trả thịnh tình của bạn.
Note: Nếu bạn bỏ tiền ra để “mua” một vài Review của họ thì chi phí bỏ ra không hề nhỏ nhé!
Báo điện tử chuyên ngành có vẻ là một kênh truyền thông phải trả phí?
Thực ra, bạn có thể tạo ra những bài viết chất lượng, với những thông tin hữu ích hoặc ý tưởng sáng tạo để gửi lên báo, sử dụng tên hoặc bút danh của bạn khi viết bài cho blog, website, Fanpage,.. của thương hiệu mình, sử dụng chung một phong cách viết để chỉ cần đọc qua người đọc cũng có thể nhận ra “tác giả”. Những bài viết này bạn có thể gom vào mục riêng trên website với tựa “Góc báo chí”, tính chuyên nghiệp và đáng tin cậy của thương hiệu sẽ tăng lên rất nhiều trong mắt khách hàng.
Đó chỉ là vài mẹo nhỏ để bạn có thể truyền thông hình ảnh thương hiệu của mình trong thời kỳ non trẻ và “túng thiếu”, nếu tận dụng tốt các kênh truyền thông miễn phí này, hẳn nhiên bạn sẽ có một thương hiệu mạnh mà không phải “móc ví” quá nhiều.
Để “nhuộm màu” tâm trí khách hàng, trước tiên bạn phải “nhuộm chín” thương hiệu của mình từ sâu thẳm bên trong đến sắc diện bên ngoài. Hãy cho cả thế giới thấy sắc màu của bạn, và hãy luôn hành động đúng với sắc màu đó!
Go & See