Quảng cáo báo điện tử bằng Emagazine. Các bài báo điện tử được thiết kế theo phong cách tạp chí (bài e-magazine) trở nên phổ biến trong những năm gần đây như một xu thế. Đây được xem là bước cải tiến của báo chí, đồng thời là yếu tố cạnh tranh giữa nhiều tờ báo điện tử hiện nay và cũng là thách thức lớn giữa kỉ nguyên công nghệ thông tin biến động không ngừng.
Ưu thế của E-magazine
Bài E-magazines là kiểu bài báo đa phương tiện (multimedia) có thể bao gồm cả chữ viết, ảnh, video, ảnh động, file âm thanh, các yếu tố đồ họa được thiết kế theo phương thức hoàn toàn mới. Ở đó, người ta sử dụng tít hiệu ứng (thường được chèn trong ảnh đầu bài – gọi là cover), chữ viết trở nên linh hoạt với những phần trích dẫn được bố trí đẹp mắt, ảnh thường được thiết kế toàn màn hình (theo chiều ngang).
Khi tiếp cận một bài E-magazines, ta có cảm giác đang đọc báo phiên bản mobile trên máy tính, hoặc đang thưởng thức một trang tạp chí được thiết kế cầu kì. Ngoài ra, phần text (chính văn) của loại bài này có thể dài vài ngàn từ, với thông tin mang tính tổng hợp, pha trộn giữa bút pháp tường thuật, bình luận và phân tích chuyên sâu.
Đây là kiểu bài bắt kịp được xu hướng của báo chí hiện nay, đặc biệt là báo điện tử: đó chính là nội dung chuyên sâu (slow journalism). Tuy nhiên, những bài quá dài được thiết kế theo cách thông thường trên các website sẽ không thu hút độc giả đọc đến cuối, đồng thời cũng rất khó thiết kế bài một cách hấp dẫn, bắt mắt. Bài E-magazines chính là giải pháp cho những vấn đề đó khi trình bày một bài viết mang nội dung chuyên sâu.
Một ưu điểm khác của bài E-magazines là khiến thời gian độc giả lưu lại trên trang (time on site) dài hơn. Ví dụ, thời gian trung bình mà độc giả dành để đọc một tin báo điện tử thường là 5 – 10 giây và 15 – 20 giây với những tin dài hơn nhưng thời lượng xem mỗi bài E-magazines trên Vietnam Plus là 5 – 6 phút, thậm chí có những bài lên tới 10 – 15 phút bởi thông tin rất chuyên sâu, lại có nhiều hình ảnh và video. Cần lưu ý rằng time on site là một trong những tiêu chí quan trọng để phân loại website.
Với loại bài viết này, kiểu chữ và cỡ chữ được dùng trên các tờ báo trên thế giới khá đa dạng. Có những báo thiết kế bài này với cỡ chữ lên đến 18 point, và lúc đó vấn đề dễ đọc hoàn toàn được đảm bảo nên kiểu chữ có chân cũng được sử dụng phổ biến không kém chữ không chân. Các phần trích dẫn đáng chú ý được đặt rải rác toàn bài viết, có thể được chèn trong những bức ảnh tràn màn hình.
Bên cạnh đó, quảng cáo không còn là yếu tố gây phiền nhiễu đến độc giả khi đọc kiểu bài này. Sẽ không còn các banner, các pop-up quảng cáo đột ngột xuất hiện khiến họ giật mình, thay vào đó, nội dung bài viết hoàn toàn được thể hiện trọn vẹn mà không có dấu vết của các phần quảng cáo hiển thị. Đó đều là những yếu tố mà độc giả mong muốn báo điện tử cải thiện hiện nay.
Quy trình sản xuất bài E-magazine
E-magazines là kiểu bài không nên lạm dụng và sử dụng quá nhiều, “quý hồ tinh bất quý hồ đa” bởi một số lí do. Thứ nhất, đây là dạng bài chuyên sâu, dung lượng dài và cách bố trí cũng trải dài trên trang, chính vì vậy nếu lên trang quá nhiều bài kiểu này sẽ khiến độc giả chán và dần lười đọc. Bên cạnh đó, để sản xuất một bài E-magazines đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và nhiều kĩ năng của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Chính vì vậy, một số báo ở Việt Nam hiện nay chỉ có một số bài E-magazines rải rác như Vietnamnet hay Dân Trí. Các trang tin tổng hợp như Kênh14 hay Afamily có khoảng 2 – 3 bài mỗi tuần.
Mật độ E-magazines lên trang dày đặc hơn cả là Vietnam Plus, với khoảng 1 – 2 ngày một bài thời gian trước đây và vài tháng trở lại đây báo sản xuất khoảng 25 – 30 bài một tháng. Ý tưởng là khâu có tính chất quyết định đối với mỗi bài e-magazine. Nhóm làm trang sẽ họp lại, lên ý tưởng và bàn cách thực hiện. Những nội dung cần đưa, hình ảnh, video được sử dụng và cách thức dàn trang sẽ đều phải được tính đến ở khâu này.
Sau khi bài viết đã hoàn thiện với các phương tiện chuyển tải nội dung cần thiết, biên tập viên sẽ chỉnh sửa nội dung và trực tiếp làm phần layout (trình bày trang). Hiện nay có hai cách để làm trang E-magazines
Sử dụng cách thức lập trình và thiết kế trực tiếp (manually). Cách này sẽ tạo ra sản phẩm theo ý muốn, linh hoạt, chỉn chu, độc đáo và đẹp mắt nhưng mất nhiều thời gian. Trung bình sau khi đã chuẩn bị nội dung đầy đủ thì riêng việc thiết kế có thể mất 1 tuần hoặc lâu hơn.
Sử dụng các công cụ (tool) có sẵn. Hiện tại trên thế giới có rất nhiều công cụ để làm E-magazines như Shorthand, Atavist với giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn đô la Mỹ mỗi năm. Ưu điểm của việc sử dụng tool là không cần nhân viên lập trình, tuy nhiên có công cụ có thể làm rất đẹp như lập trình tay nhưng có công cụ thì đơn giản hơn (tùy vào giá). Sử dụng tool cũng giúp giảm thời gian thiết kế tác phẩm, chỉ trong vòng 1 tiếng là có thể lên trang.
Thay vì dán các banner, pop-up, hình ảnh quảng cáo lên giao diện bài viết, phần quảng cáo sẽ được đặt code (mã) vào bài E-magazines nên độc giả sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi đọc loại bài này.
Hiện nay, Vietnam Plus thường thiết kế bằng các công cụ có sẵn. Một số báo khác với tần suất lên trang của Emagazines thưa thớt hơn có thể tự thiết kế hoặc sử dụng công cụ từ một số website khác với mức giá phù hợp hơn.
Một số yêu cầu đối với bài E-magazine
Nếu như không tận dụng được những lợi thế của mình và phát huy tối đa hiệu ứng tích cực đối với độc giả, bài E-magazines sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu. Mặc dù thu hút độc giả không phải là tiêu chí duy nhất, nhưng việc phối hợp nhuần nhuyễn giữa nội dung và hình thức cũng sẽ giúp tác phẩm đến gần với độc giả hơn, bên cạnh chất lượng và giá trị thông tin của bài báo.
Về nội dung
Việc lựa chọn một chủ đề hấp dẫn, một câu chuyện hay, được công chúng quan tâm là yếu tố vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, bài E-magazines đòi hỏi một tay viết tốt, bút pháp linh hoạt, hấp dẫn, biết kết nối các mẩu chuyện và dẫn dắt câu chuyện đi vào chiều sâu. Lối viết nhàm chán với những thông tin rời rạc sẽ tạo ra những tác dụng phụ cho bài E-magazines. Bên cạnh đó, dưới áp lực về chiều sâu của vấn đề, tránh khai thác quá chi tiết những vấn đề nhạy cảm, ví dụ như những phỏng đoán vô căn cứ hay đời tư của những người nổi tiếng. Trong bài viết “When ‘Long-Form’ is bad form”, tác giả đã đề cập bà Vanderbilt, người đã tự tử sau khi câu chuyện về cuộc sống của bà bị khai thác quá sâu dưới dạng bài long-form.
Bên cạnh đó, việc bố trí bài thành các phân đoạn với các tít phụ cũng khiến bài trở nên mạch lạc, dễ theo dõi và độc giả dễ dàng nắm bắt được nội dung bài viết hơn. Mỗi phương tiện chuyển tải cần được phân nhiệm những nội dung khác nhau trong chỉnh thể bài báo, không nên có sự trùng lặp giữa video hay các biểu đồ, đồ họa với phần chính văn. Điều này sẽ làm mất đi ý nghĩa và không khai thác được thế mạnh của bài đa phương tiện.
Về thiết kế
Ảnh, các yếu tố đồ họa, tít chính, tít phụ, các trích dẫn sẽ là những yếu tố được đọc đầu tiên, chính vì vậy đây sẽ phải là những thành phần được đầu tư về cả nội dung và hình thức. Yếu tố vô cùng quan trọng là ảnh.
Ảnh phải có độ phân giải cao, kích cỡ lớn, có thông tin và khiến độc giả bị hút mắt.
Người làm ảnh phải thông thạo Photoshop, nắm được các quy tắc về sử dụng và phối hợp các màu sắc hiệu quả khi chèn chữ vào ảnh. Không nên dùng chữ cho phần text quá lớn, độc giả sẽ phải cuộn trang nhiều, các phần trích dẫn cũng phải được thiết kế với mật độ phù hợp. Dùng chữ âm bản (chữ trắng trên nền đen) cho text,sẽ gây cảm giác khó đọc cho độc giả, và đọc lâu sẽ vô cùng nhức mắt. Bài trông càng đơn giản, rõ ràng, chuyên nghiệp sẽ càng thân thiện với người đọc hơn, giữ họ ở lại trên trang web lâu hơn.
Với những bài E-magazines khác nhau trên mỗi tờ báo nên dùng những mẫu thiết kế (template) khác nhau, lặp lại cách trình bày quá nhiều sẽ khiến độc giả nhàm chán và tạo cảm giác đóng khung cho loại bài trên. Bên cạnh đó, nên có một chuyên mục riêng (mà nhiều tờ báo đặt là Mega stories, Longreads, E-magazines) để độc giả tiện lựa chọn và theo dõi vì đây là một kiểu bài chuyên biệt.
Nếu phối hợp tốt các yếu tố trên, bài E-magazines sẽ là kiểu bài tất yếu trên các trang báo mạng điện tử, và trở thành yếu tố cạnh tranh đối với các tòa soạn báo chí trong kỉ nguyên số.
* Theo Nguoilambao
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM
VPGD: Tầng 15, Tòa Nhà HL Tower, Số 82 Duy Tân, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Phone: 039.272.6666
Tel: 024.6689.7777 / 024.6689.7777
E-Mail: info@brandcom.vn
Văn Phòng HCM
Tầng 12 Tòa Nhà ACB Tower, Đường CMT8, Phường 11, Quận 3, TP HCM
Hotline: 0356.333.555
E-Mail: vphcm@brandcom.vn