Nội dung của website có vai trò quan trọng để nâng cao uy tín và nâng tầm thương hiệu của bạn. Nội dung có ảnh hưởng trực tiếp đến việc khách hàng sẽ quyết định ở trên website của bạn bao lâu và có quyết định sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn hay không.
1. Nội dung viết bài theo nguyên tắc ABC
Nguyên tắc ABC được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực như quảng cáo, giao tiếp, marketing. Đối với lĩnh vực web thì nó cực kì hữa dụng trong việc soạn nội dung cho bài viết và thiết kế layout cho web. Trong bài viết này thì mình sẽ giới thiệu “Nguyên tắc ABC và nội dung bài viết”
1.1. Accuracy (chính xác)
Thông tin truyền đạt phải chính xác, đó là yếu tố quyết định nên sự thành công hay thất bại của website. Chính xác ở đây phải bao gồm các yếu tố như:
• Số liệu: không nên cho số liệu khống, biết chính xác thì dùng cho bài viết, không biết hay biết mơ hồ, sơ sơ thì thôi, đừng bịa ra một con số nào đó rồi gõ vào bài viết. Cho nên, khi nói đến số liệu thì ta nên định lượng chứ không nên định tính.
• Từ ngữ: không nên viết tắt, đặc biệt là các từ chuyên ngành. Nên dùng cách viết tắt như sau: ví dụ như: Bộ Văn Hóa và Thông Tin (BVHTT). Rồi dùng từ BVHTT cho toàn bài viết. Đối với các trang tin tức thì không nên áp dụng cách viết theo phong cách teen như “ko, uhm, ok, 1k…”. Chỉ áp dụng tại các diễn đàn dành cho teen.
• Lời cam kết, lời hứa: bạn hãy chắc rằng, những gì mình hứa trong bài viết thì mình có thể làm được.
• Kiểm tra: phải kiểm tra bài viết của bạn 1 lần trước khi đăng để chắc rằng không mắc lỗi chính tả, hay sai ngữ pháp, hay các tên riêng, địa danh, tên Bác Hồ có viết hoa hay chưa? Ví dụ như sự kiện gần đây nhất là trang tin tức 7news đã đưa tin “Thành Long qua đời vì đau tim” khiến cho các fan hâm mộ của Thành Long bị một phen hú vía, tuy ban đầu lược truy cập tăng chóng mặt, tuy nhiên sau khi bị lật tẩy thì 7news bị mọi người tẩy chay.
1.2. Brevity (ngắn gọn)
Thông tin mà bạn truyền đạt trong bài viết cần phải ngắn gọn, nhưng chắc chắc rằng đó phải bao hàm nội dung chính của bài viết. Không nên dài dòng, vòng vo, chứa các thông tin không thực sự cần thiết hay quá dư thừa cho bài viết của mình. “Thông tin quá nhiều cũng nguy hiểm như quá ít vậy. hãy cho mọi người biết những gì họ cần biết, đừng để họ chìm ngập trong thông tin.” Theo C.Northcote Parkinson và Nigel Rowe. Do đó, bạn hãy chắc rằng, thông tin của mình là cần thiết và hữu dụng.
1.3. Clarity (rõ ràng)
Thông tin trong bài viết của bạn cần phải rõ ràng, tránh tình trạng mập mờ, làm người xem có thể hiểu theo nghĩa khác với mong muốn mình truyền đạt. Nhưng đối với tiêu đề bài viết, thì mập mờ và bí ẩn là một yếu tố cần thiết để thu hút người xem. Tuy nhiên chúng ta không nên đi quá giới hạn cho phép.
Tóm lại, trong bài viết này bạn cần chú ý các điểm sau:
• Đơn giản hoá những thông tin của bạn.
• Chọn những từ ngữ thích hợp.
• Chú trọng vào từng ý quan trọng.
• Dùng những ví dụ cụ thể để diễn giải ý tưởng mà bạn muốn diễn đạt.
• Không dùng từ chuyên môn. Nếu dùng phải chú thích.
2. Cách viết bài hiệu quả trên website
Khi đã bắt tay vào làm web, bạn sẽ phải xác định rằng bạn sẽ phải viết và viết rất nhiều cho trang web của bạn. Văn phong và cách trình bày ảnh hưởng rất nhiều tới người đọc.
2.1. Xác định đối tượng người đọc của bạn
Bạn phải biết chắc rằng đối tượng người đọc chủ yếu của trang web của bạn là lứa tuổi nào để chọn văn phong cho hợp lý. Ví dụ trang web của bạn có đối tượng người đọc chủ yếu là giới trẻ 8x, 9x thì bạn có thể chọn văn phong hơi hài hước và dùng tiếng lóng cũng được.
2.2. Giữ đoạn văn ngắn và súc tích
Theo nhiều nghiên cứu đã được tiến hành và kết quả cho thấy người đọc web thưởng chỉ đọc lướt để kiếm thông tin chứ họ không đọc từng từ từng chữ như đọc sách báo. Do vậy bạn nên để đoạn văn ngắn và súc tích. Chỉ nói những gì cần nói đừng nói vòng vo tam quốc.
2.3. Sử dụng hình minh hoạ cho bài viết (nếu có thể)
Đọc trang web rất dễ làm mắt người bị mỏi, do vậy ở một vài đoạn văn, bạn nên xài một hình minh hoạ có liên quan đến nội dung. Thứ nhất nó tăng khả năng diễn đạt của bạn vì hình bao giờ cũng dễ hiểu hơn văn viết. Thứ hai người đọc có cơ hội cho mắt “nghỉ giải lao” vài giây trước khi phải đọc tiếp.
2.4. Chia đoạn văn ra làm nhiều phần và bôi đậm phần tiêu đề
Như đã nói ở trên, người đọc web chỉ đọc lướt, do vậy họ sẽ chú ý nhiều hơn đến những từ in đậm vì nó là tín hiệu của những từ quan trọng. Nếu người đọc thấy nó quan trọng, họ sẽ đọc tiếp những gì viết dưới nó.
2.5. Không nên viết một bài quá dài
Nên chia ra thành nhiều trang hoặc nhiều đoạn văn nếu có thể. Người đọc sẽ thấy sợ khi nhìn thấy một đoạn văn dài và không có những khoảng trắng ở giữa.
3. Viết bài hiệu quả trong môi trường ảo
Viết bài cho trang website khác xa với việc bạn phải viết trên giấy. Những công đoạn chúng ta học ở trường như: Mở bài, Thân bài và kết luận đều không phù hợp với môi trường website. Bởi vì khi đọc bài trên một trang website, người đọc chỉ đọc lướt qua chứ không đọc như khi họ đọc sách. Do vậy để viết bài sao cho hiệu quả trong môi trường web, bạn cần lưu ý những điều sau:
Đọc càng nhiều càng tốt: Càng đọc nhiều vốn kiến thức của bạn sẽ càng rộng, và đó sẽ là nơi “lên men” cho những bài viết của riêng bạn. Bạn sẽ không viết được nhiều với cái đầu rỗng tuếch.
Nội dung là phần quan trọng nhất: Để truyền tải được những gì bạn biết cho người đọc, bạn phải viết như đang kể chuyện. Dẫn dắt họ đi theo hướng mà bạn viết và giúp họ hiểu được nội dung bạn muốn truyền tải một cách chính
xác nhất
Loại bỏ những câu từ không quan trọng: “Một câu không nên có những từ thừa, một đoạn văn không nên có những câu thừa và cũng như một bức tranh không có những nét cọ thừa và một chiếc máy không nên có những phần dư thừa” William Strunk Jr. Bạn đừng cố viết chỉ để làm cho bài văn thêm dài, viết sao cho ngăn gọn và dễ hiểu
Đam mê: Chỉ có lòng đam mê mới có thể giúp bạn viết hàng ngày, hàng giờ mà không mệt mỏi.
Chỉnh sửa liên tục: Một bài viết hay ít khi là bài viết đầu tiên. Ambrose Bierce từng nói “một vị thánh là một người chết có tội, được sống lại và thay đổi”. Bài viết hay là bản nháp được xem lại và chỉnh sửa liên tục.
Sử dụng hình ảnh: Hình ảnh là một phần quan trọng trong bài viết. Trăm nghe không bằng một thấy. Đôi khi những gì bạn viết khó để diễn đạt bằng lời, hãy dùng hình ảnh để minh hoạ.
KISS (Keep It Short & Simple) – Giữ đoạn văn ngắn và đơn giản: Luôn sử dụng những từ đơn giản nhất và quen thuộc nhất. Đừng dùng xe tự hành khi bạn có thể nói xe đạp, hãy uống nước đun sôi để nguội hơn là nước đã qua khử trùng bằng phương pháp nhiệt và đừng tách nước từ sợi vải bằng năng lượng mặt trời mà hãy phơi khô quần áo.
Không sợ chỉ trích: Đừng sợ khi bị chỉ trích. Nếu nó không đúng sự thật, bỏ qua nó. Nếu nó không công bằng, tránh bị tổn thương vì nó. Nếu nó khờ khạo, mỉm cười với nó. Còn nếu nó đúng, học từ nó.
Viết, viết nữa, mệt viết tiếp: Số lượng sản sinh ra chất lượng, viết càng nhiều, chất lượng sẽ ngày càng cao.
Viết có hồn: Viết đơn giản nhưng dễ nhớ, viết ngắn gọn nhưng gợi mở và viết sao cho người ta thấy thích khi được đọc những gì bạn viết.
Viết bài với hiệu suất cao: Có khi nào bạn ngồi trước máy tính với trình soạn thảo văn bản mở ra và bạn muốn viết một entry cho blog của mình. Nhưng mất rất nhiều thời gian mà bạn vẫn chưa viết được dòng nào chưa? Nếu bạn chỉ viết bài cho một vài diễn đàn bạn tham gia thôi thì cũng không phải là vấn đề quá quan trọng, bởi vì nếu không viết hôm nay thì khi khác viết. Nhưng nếu bạn có một blog cá nhân hoặc một trang web, đòi hỏi bạn phải viết liên tục, viết nhiều và viết hiệu quả. Những lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn viết hiệu quả hơn.
Gạch đầu dòng ý tưởng bất cứ khi nào có thể: Ý tưởng để viết một bài viết là rất quý, đôi khi nó chợt xuất hiện khi bạn đang làm một việc gì đó. Nếu bạn không dừng ngay lại để viết vào giấy, thì đến cuối ngày đảm bảo bạn sẽ quên mất mình phải viết cái gì. Hãy chuẩn bị cho mình một cuốn sổ tay nhỏ và một cây viết, luôn để nó trong người. Để bất cứ khi nào có ý tưởng bất chợt xuất hiện trong đầu, bạn hãy ghi ngay vào sổ tay với những gạch đầu dòng ý chính. Khi về nhà bạn có thể dựa vào đó để phát triển thành một bài. Đây là cuốn sổ tay của tôi để ghi lại ý tưởng xuất hiện trong lúc không thể viết được.
Đặt thời gian cho từng bài viết: Để có một bài viết sinh động và thông tin chính xác, bạn cần phải tham khảo các nguồn khác nhau. Ví dụ tôi biết nhiều về chiến lược kinh doanh, nhưng khi viết về nó, tôi cũng phải lật lại sách giáo khoa để đọc lại những thông tin đã học. Sau khi đã tham khảo nguồn, tôi sẽ tìm hình minh hoạ cho bài viết. Tất cả những việc này bạn nên đặt thời gian cho nó. Ví dụ việc tham khảo tài liệu khoảng 15 phút, tìm hình minh hoạ 5 phút. Đúng thời gian đó là ngừng và bắt đầu viết.
Chọn lúc tư tưởng thoải mái nhất: Tuỳ từng người, tuỳ từng công việc mà bạn thấy lúc nào tư tưởng thoải mái và thư thái nhất. Có người thích những bản nhạc giao hưởng nhè nhẹ bên tai, có người thích ánh nến lung linh … tôi luôn thấy thư giãn và thoải mái nhất khi tắm xong và nghe âm thanh tự nhiên (nước chảy, mưa rơi, chim hót) khi viết bài. Lúc tư tưởng thoái mái nhất chính là lúc não bạn có thể hoạt động hiệu quả nhất. Tắt điện thoại, tắt các ứng dụng khác khi viết bài.
Viết trước chỉnh sửa sau: Nếu bạn có thói quen bôi đậm tiêu đề, chèn hình lúc đang viết, đánh số thứ tự từng đoạn văn thì bạn nên tập bỏ đi thói quen này. Điều này tôi học được từ hồi mới đi học tin học văn phòng, khi học đến đoạn soạn thảo văn bản. Cứ gõ được một lúc là dừng lại để bôi đậm hoặc sửa lỗi chính tả. Bạn sẽ viết hiệu quả hơn khi bạn cứ để dòng suy nghĩ chạy theo ngón tay, khi viết xong bạn sẽ có nhiều thời gian để chỉnh sửa lại bài viết.
Đọc lại bài viết ít nhất 2 lần trước khi post: Khi đọc một bài viết mà gặp lỗi chính tả hoặc câu cụt, giống như khi ăn cơm bị vướng phải sạn. Tất nhiên người đọc sẽ vẫn hiểu được bạn viết cái gì, nhưng khi có những “câo chũ viét sai chính tả” sẽ làm cho bài viết đó dù có hay cũng bị mất điểm. Ông bà ta đã khuyên “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” thì việc bạn đọc lại 2 lần những gì bạn viết chẳng thấm vào đâu.
Viết bài nhanh và hiệu quả không phải là điều có thể đạt được một sớm một chiều. Nó đòi hỏi bạn phải luyện tập rất lâu và tạo thành thói quen. Nhưng một khi bạn đã tạo được thói quen cho mình rồi, thì việc viết bài đối với bạn lại quá đơn giản và nhẹ nhàng.
3. Liên kết đến các bài viết cũ trước đó của website
Khi trang web của bạn dần lớn mạnh và số lượng bài viết càng ngày càng nhiều. Có những bài viết rất hay trước đây nhưng bị lùi dần vào sâu trong Database mà những đường link cơ bản ở trang chủ không thể “với” tới được. Có thể kiến thức trong bài viết đó là cũ đối với một nhóm người đọc, nhưng có thể nó lại là mới với những người vừa mới học. Cho nên việc bạn luôn tạo ra mối liên quan chặt chẽ giữa các bài viết với nhau là việc rất có ích cho người đọc. Bởi vì họ có thể dễ dàng tiếp cận được với những kiến thức cũ hơn mà không phải mất công tìm kiếm.
Trong bài giới thiệu về Plugin Related Post của WordPress, bạn đã thấy được tác vụ tự động của Plugin tìm kiếm những bài có liên quan và cho nó hiện ra ở cuối mỗi bài viết dựa vào từ khoá tương đồng. Cho dù plugin Related Post hoạt động rất hiệu quả và chính xác, nhưng những đường link trong bản thân bài viết cũng rất quan trọng và giúp ích rất nhiều cho người đọc có thể tìm đến những bài viết đã lâu mà nếu không có dạng liên kết này, họ khó có thể tìm ra được.
Bạn hãy giúp người đọc liên kết đến những bài có liên quan bất cứ khi nào có thể. Khi họ luôn tìm được bài có nội dung liên quan đến chủ đề họ đang đọc, họ sẽ ở lại trang web của bạn lâu hơn và trang web của bạn cũng chính vì thế mà thân thiện với người đọc hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố Google xếp PageRank cho một trang web dựa vào thời gian họ ở lại trên trang web đó.
4. Tìm cảm hứng viết bài
Khi mới xây dựng trang web, bạn còn nhiều động lực và chủ đề cũng còn nhiều để bạn khai thác. Nhưng theo thời gian động lực và niềm háo hức lúc đầu cạn dần và chủ đề ngày một khan hiếm. Lúc này việc cập nhật trang web với những bài viết mới trở nên khó khăn hơn. Mục tiêu viết mỗi bài một ngày cũng khó đạt được hơn. Chính vì thế việc tìm cảm hứng để viết bài là rất cần thiết, làm sao để bài viết trên trang web của bạn luôn được cập nhật và dòng cảm hứng của bạn luôn tuôn chảy.
Đọc nhiều để viết nhiều
Muốn viết được nhiều điều hay thì trước hết bạn phải đọc thật nhiều. Những tác giả cho xuất bản được một cuốn sách thì họ cũng đã phải đọc hàng tá cuốn, nếu như không muốn nói là cả trăm cuốn. Bạn khó có thể viết ra được cái gì có giá trị nếu bạn không có chút kiến thức gì về chủ đề đó. Do vậy từ giờ trở đi, nếu đi đâu thấy một cuốn sách, hay tờ báo nào có chủ đề liên quan đến trang web của bạn. Hãy mua về và đọc, chắc chắn nó sẽ truyền cảm hứng cho bạn hoặc chí ít cũng tăng thêm kiến thức cho bạn.
Đọc nhiều trang web cùng chủ đề
Bạn đừng nên nhầm với việc tôi khuyên bạn nên đi ăn cắp ý tưởng hoặc ăn cắp bài viết của họ. Ở đây tôi khuyên bạn nên đọc những gì người khác viết và học từ họ, sau đó bạn sẽ viết lại bằng chính lời văn của mình cộng với kiến thức đã có của bạn. Tuy nhiên, ranh giới việc đọc để hiểu rồi viết lại và ăn cắp ý tưởng rất mong manh. Lấy một ví dụ để minh hoạ cho rõ hơn.
Giả sử bạn đọc được một bài viết về “những sai lầm khi chọn domain“, trong đó tác giả nêu ra những điểm mà người dùng hay mắc phải. Tất nhiên bạn cũng có rất nhiều kiến thức về chọn tên miền và bạn cũng biết được những lỗi mà tác giả kia nêu ra. Thậm chí trong khi đọc bài viết đó, bạn còn nghĩ ra nhiều lời khuyên khác mà tác giả chưa nói đến. Chỉ có điều bạn chưa viết bài về nó hoặc ý tưởng đó chưa xuất hiện.
Bạn có thể viết một bài về “cách chọn tên miền hiệu quả” và trong đó bạn đưa ra những lời khuyên từ kinh nghiệm bản thân của bạn kết hợp với kiến thức bạn có về cách chọn tên miền. Nhưng sẽ là ăn cắp ý tưởng và bài viết nếu bạn chỉ thay đổi từ ngữ, sắp xếp lại trật tự của câu hoặc đổi ý sau lên ý trước. Nói chung bài viết mới của bạn chỉ là sự xáo trộn trật tự trong câu của viết cũ mà không có những ý gì mới hơn bài viết cũ.
Việc tham khảo các bài viết khác để tạo cảm hứng và ăn cắp ý tưởng là một ranh giới rất mong manh. Có đôi khi chỉ vì một cái tặc lưỡi hoặc một phút quên đi chính mình mà chúng ta dễ bị sa vào vết nhơ ăn cắp bài viết và ý tưởng. Để tránh những lỗi lầm này, bạn luôn luôn phải tự nhắc mình phải tôn trọng người đọc của mình, tôn trọng tác giả bài viết bạn tham khảo và cuối cùng là tôn trọng chính bản thân mình.
Việc tham khảo bài viết khác để nảy sinh ý tưởng của riêng mình là việc nên làm. Không phải ai cũng có cơ hội đi tiên phong hoặc là người đấu tiên viết về một chủ đề. Nhưng mỗi tác giả có một cách nhìn nhận vấn đề khác nhau và có những khía cạnh khác nhau. Bạn cũng có thể viết về chủ đề đó nhưng qua lăng kinh của riêng bạn và bài viết được viết ra là sự khúc xạ từ chính kiến thức của bạn.
Liên hệ ngay nhận tư vấn, báo giá dịch vụ quản trị website
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM
? VPGD: Tầng 15, Tòa Nhà HL Tower, Số 82 Duy Tân, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
? Phone: 039.272.6666
☎️ Tel: 024.6689.7777
?E-Mail: info@brandcom.vn
?Văn Phòng HCM: Tầng 12 Tòa Nhà ACB Tower, Đường CMT8, Phường 11, Quận 3, TP HCM
☎️Hotline: 0356.333.555
?E-Mail: vphcm@brandcom.vn