Khi nhà quảng cáo trực tuyến nhắm vào “thượng đế” nhí. Các chương trình quảng cáo nhắm vào các “thượng đế” nhí trong thế giới số ngày càng tràn lan và thịnh hành chưa từng thấy.

Nếu nhà bạn có trẻ con ở độ tuổi mầm non, bạn sẽ thấy sự len lỏi đáng kinh ngạc của quảng cáo nhắm vào trẻ em.

Đứa bé tuổi từ 2-3 tuổi hay chạy nhảy, nghịch phá. Cha mẹ của bé và người trông coi trẻ thường nhanh chóng mệt mỏi vì sự nghịch ngợm của bé nên trong phần lớn trường hợp họ chọn cách mở cho bé xem chương trình nhạc, như Baby Shark trên YouTube.

Thật kinh ngạc khi bé có thể ngồi yên cả giờ đồng hồ và trỏ ngón tay bé xíu vào màn hình máy tính bảng để mở xem bất cứ clip nào có hình ảnh khiến bé thích. Bé nghe nhạc, múa theo, hát theo và cũng nói theo các nội dung quảng cáo có chèn vào, kế tới là đòi mẹ mua cho những thứ đồ chơi, đồ ăn mà bé nhìn thấy khi xem YouTube và sự đòi hỏi này diễn ra theo hướng tăng dần.

Người ta ban đầu thấy thích vì những đứa trẻ nghe nhạc tiếng Anh rất nhạy với ngôn ngữ này, phát âm tốt, cảm nhận giai điệu nhạc nhanh hơn những đứa trẻ khác, chúng cũng sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh thành thạo hơn những đứa trẻ không được sử dụng thậm chí là hơn cả nhiều người lớn.

Trẻ em không thể dễ dàng phân biệt giữa sự tưởng tượng và thực tế – và quảng cáo từ nội dung – nên dễ dàng trở thành mục tiêu cho các nhà tiếp thị quảng bá thức ăn nhanh, kẹo, quần áo và đồ chơi.

Tuy nhiên, theo The AseanPost, quảng cáo đi theo các nội dung dành cho độ tuổi mầm non bị cho là gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ em, trong đó có việc khiến chúng nhận thức thiên lệch về vật chất, dễ bị béo phì và kém tự trọng.

Ngoài ra, khi trẻ em cũng liên tục yêu cầu cha mẹ mua cho những món đồ được quảng cáo để sưu tập cho đủ bộ hoặc mua vì thích nhưng không chơi lâu… có thể làm gia tăng các cuộc xung đột giữa cha mẹ và con cái. Thêm vào đó, những lời gợi ý chia sẻ những thông tin cá nhân nhạy cảm, như vị trí trong một số ứng dụng của trẻ em là một sự xâm phạm quyền riêng tư trên Internet theo luật hiện hành nhưng có lẻ nhiều bậc cha mẹ không mấy chú ý.

Mỏ vàng cho nhà quảng cáo

Năm 2018, người ta ghi nhận sự phát triển ngày càng ổn định của tầng lớp trung lưu cùng với tỷ lệ thâm nhập của Internet 58% và tỷ lệ thâm nhập phương tiện truyền thông xã hội là 55%. Điều này có nghĩa là ngày càng có nhiều phụ huynh trong khu vực Đông Nam Á cho phép con sử dụng thiết bị di động mà không hiểu đầy đủ ý nghĩa.

Vào năm 2017, dân số các nước ASEAN là 642,1 triệu người, trong số đó có 34,5% – tương đương 221,5 triệu người – dưới 19 tuổi. Cũng trong năm ngoái 2018, tổ chức cung ứng nền tảng số an toàn cho trẻ em TotallyAwesome công bố bản nghiên cứu có liên quan đến quảng cáo số và trẻ em cho thấy 90% trẻ em trong độ tuổi từ 4 đến 12 ở các nước Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Instagram và YouTube. Nghĩ kỹ hơn một chút thì thấy những trẻ em này đang tạo ra một mỏ vàng cho các nhà quảng cáo và cả cơn đau đầu cho các bậc cha mẹ.

Trẻ em không thể dễ dàng phân biệt giữa sự tưởng tượng và thực tế – và quảng cáo từ nội dung – nên dễ dàng trở thành mục tiêu cho các nhà tiếp thị quảng bá thức ăn nhanh, kẹo, quần áo và đồ chơi. Các nhà quảng cáo trả phí để sử dụng các kênh YouTube vì khả năng lưu trữ nội dung được tài trợ.

Thực tế là các nhà quảng cáo và tiếp thị nội dung qua các kênh trực tuyến này không chỉ tận dụng sự ngây thơ ở trẻ em để bán hàng hóa hoặc dịch vụ mà còn gián tiếp biến chúng thành những người quảng bá bán hàng. Đó là lý do tại sao các chuyên gia khuyên nên hạn chế quảng cáo nhắm vào trẻ em dưới tám tuổi.

Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) năm 2014 đã công bố một bản nghiên cứu về quảng cáo và trẻ em cho biết, trẻ em dưới tám tuổi có xu hướng chấp nhận quảng cáo trên truyền hình như là một sự thật, chính xác và không thiên vị – những điều có thể dẫn đến thói quen ăn uống không lành mạnh.

Và bởi vì các sản phẩm phổ biến nhất được bán cho trẻ nhỏ là ngũ cốc có đường, kẹo, soda và đồ ăn nhẹ, quảng cáo các sản phẩm thực phẩm không lành mạnh sẽ góp phần hình thành một thói quen dinh dưỡng kém theo chúng suốt đời và là một biến số của dịch béo phì hiện nay trẻ em, theo bản báo cáo.

Nhà tâm lý học Brian Wilcox – Tiến sĩ, Giáo sư Tâm lý học và Giám đốc Trung tâm Trẻ em, Gia đình và Luật tại trường Đại học Nebraska – cho biết, vì trẻ nhỏ không hiểu ý định thuyết phục trong các nội dung quảng cáo nên chúng dễ dàng bị thuyết phục nhất. Chúng cũng tin tưởng vào nội dung quảng cáo nhiều hơn so với người lớn và do đó, dễ bị tổn thương hơn bởi các quảng cáo thương mại từ các chương trình.

Cơn đau đầu dai dẳng cho cha mẹ

Nhưng lợi nhuận vốn có sức mạnh làm mờ mắt rất nhiều người. Các nhà quảng cáo tiếp tục đổ xô đến các nền tảng như YouTube để nhắm vào đối tượng mục tiêu trẻ em để thu lợi. Các bậc cha mẹ chẳng có cách nào khác là phải giám sát con cái họ sử dụng thiết bị di động và đặt ra giới hạn thời gian cho con tiếp xúc với Internet.

Việc giáo dục trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới tám tuổi, về quảng cáo cũng được đặt ra nhưng vẫn là do cha mẹ tự thân hướng dẫn con cái để bảo đảm bảo chúng không bị ảnh hưởng quá mức trước làn sóng quảng cáo số lan vào mọi ngóc ngách của cuộc sống số này.

Ở Đông Nam Á nơi có tỷ lệ thâm nhập phương tiện truyền thông xã hội thuộc hàng cao nhất thế giới, không có gì ngạc nhiên khi các bậc cha mẹ đang ngày càng quan tâm đến việc sử dụng Internet của con cái họ. Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cho biết, cứ trong ba trẻ em ở khu vực Đông Nam Á thì có một trẻ dùng Internet và theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) có một phần năm số trẻ em từ ba đến bốn tuổi có máy tính bảng riêng. Những nội dung có hại, lạm dụng và lạm dụng tình dục, nghiện chơi game, tình trạng bị bắt nạt trên mạng, lạm dụng thông tin cá nhân – những rủi ro mà trẻ em phải đối mặt trong thế giới kỹ thuật số là mối quan tâm thực sự của cha mẹ. Nhu cầu cần được bảo vệ an toàn trong thế giới trực tuyến của trẻ em được nói là tối quan trọng nhưng dường như hành động bảo vệ vẫn còn mờ nhạt trong xã hội.

Cuộc khảo sát nói trên của TotallyAwesome cũng cho thấy 68% số phụ huynh sợ rằng con cái họ có thể gặp phải nội dung không phù hợp mà không hay biết, 56% lo lắng về sự ảnh hưởng tiêu cực tiềm ẩn của mạng xã hội và Internet và 47% sợ con cái bị bắt nạt trên mạng và 34% quan tâm đến sức khỏe của con khi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội.

Những mối lo ngại này không phải là không có cơ sở, bởi vì 68% bậc cha mẹ nói rằng con cái họ đã trải qua các vấn đề tiêu cực trên phương tiện truyền thông xã hội. Có 33% cho biết họ đã tiếp xúc với nội dung không phù hợp trong khi 24% đã trở thành nạn nhân của những ảnh hưởng xấu.

Niên giám kỹ thuật số toàn cầu 2019, do We Are Social và Hootsuite xuất bản trong tháng 1 vừa qua, cho thấy Singapore có tỷ lệ thâm nhập phương tiện truyền thông xã hội cao thứ tư trên thế giới với 79%. Malaysia đứng ở vị trí thứ sáu với 78% và Thái Lan là thứ tám với 74%.

Mặc dù phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp trẻ em làm bài tập về nhà, kết nối chúng với bạn bè, tăng khả năng sáng tạo và giúp chúng chia sẻ nội dung; các tác động xấu về thể chất và tinh thần của việc sử dụng quá mức của nó đã được ghi nhận rõ ràng. Ngoài những mối nguy hiểm bên ngoài như bắt nạt trên mạng, truyền thông xã hội có thể tạo ra mối lo ngại về lòng tự trọng và giá trị bản thân gắn liền với số lượt thích, bình luận và theo dõi mà một đứa trẻ nhận được – một vấn đề thường thấy ở người lớn.

Rõ ràng là một cái gì đó phải được thực hiện trước khi nó quá muộn. Cha mẹ, nhà giáo dục, nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), các công ty công nghệ và chính phủ cần ngồi xuống cùng bàn để đưa ra các chính sách và đưa ra các giải pháp. Mặc dù cha mẹ nên kiểm soát lượng thời gian con cái họ dành cho điện thoại thông minh và theo dõi các hoạt động của chúng trong khi chúng đang sử dụng Internet, trẻ em cũng nên được giáo dục về việc sử dụng điện thoại thông minh và phương tiện xã hội có trách nhiệm.

Tuy nhiên, trước khi làm bất cứ điều gì khác, chính các bậc cha mẹ cần đặt điện thoại thông minh xuống trước và làm gương tốt cho con cái họ.

CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM
VPGD: Tầng 15, Tòa Nhà HL Tower, Số 82 Duy Tân, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Phone: 039.272.6666
Tel: 024.6689.7777 / 024.6689.7777
E-Mail: info@brandcom.vn
Văn Phòng HCM
Tầng 12 Tòa Nhà ACB Tower, Đường CMT8, Phường 11, Quận 3, TP HCM
Hotline: 0356.333.555
E-Mail: vphcm@brandcom.vn