Khi có dấu hiệu công việc quá tải, ví dụ như bạn phải ôm đồm nhiều trách nhiệm, các tác vụ được giao dồn dập, liên tục, ngay lập tức, khiến bạn choáng ngợp, thì điều cần phải làm lúc này là tìm ra giải pháp. Bạn không nên âm thầm “cắn răng” chịu đựng, mà nên tìm gặp sếp để nói chuyện nhằm có được phương án thống nhất, đồng thời chia sẻ với sếp về khó khăn này. Dưới đây là 5 bước giúp bạn chia sẻ với sếp về tình trạng quá tải công việc để kịp thời điều chỉnh.

Nói chuyện trước với đồng nghiệp

Đừng vội vàng tìm việc mới ở các website tuyển dụng khi gặp áp lực công việc, trước tiên hãy hỏi ý kiến từ những người khác để lắng nghe góc nhìn của họ. Bạn có thể liên hệ với bạn bè, người cố vấn và đặc biệt là đồng nghiệp – những người hiểu rõ nhất các tác vụ được giao đồng thời cũng có suy nghĩ khách quan hơn khi có thể quan sát quá trình làm việc hằng ngày của bạn. Góc nhìn bên ngoài có thể giúp bạn hiểu ra rằng liệu bạn có quá nhiều việc hay chỉ là do bạn chủ quan hoặc đang chưa thực sự làm quen được với nhịp độ ở môi trường làm việc hiện tại. Rà soát lại để tìm đúng “bệnh” áp lực do quá tải công việc do đâu bạn sẽ có cách xử lý hiệu quả hơn.

Chủ động hẹn sếp một cuộc trò chuyện

Một khi bạn đã cảm thấy sẵn sàng đối diện để chia sẻ những vấn đề trong công việc của bản thân, hãy chủ động mở lời để hẹn một cuộc gặp với cấp trên. Bạn không nên đột ngột vào phòng làm việc của cấp trên và cứ thế nói liên tục một cách rất thiếu chuyên nghiệp. Để có được sự chuẩn bị tốt nhất về tinh thần và thái độ từ cả hai bên, 30 phút đến 1 giờ đồng hồ là khoảng thời gian vừa phải để bạn đề xuất với sếp vào một khoảng thời gian hợp lý. Đừng quá khó khăn về địa điểm gặp mặt, chỉ cần là một không gian yên tĩnh và tránh sự chú ý không cần thiết trong nội bộ công ty.

Chuẩn bị trước những giải pháp để trình bày

Sau khi đã chắc chắn về thời gian, tiếp theo bạn cần chuẩn bị sẵn sàng những gì cần thiết cho buổi trò chuyện. Đối với vấn đề công việc quá tải thì các tài liệu liên quan phải được bạn đưa ra một cách hợp lý, bạn cần trình bày rõ với cấp trên rằng đâu là giai đoạn khiến bạn cảm thấy quá tải, công việc nào là vượt khỏi tầm trách nhiệm của bạn. Song song với đó bạn cũng nên đưa ra những giải pháp đề xuất về điều chỉnh cũng như giảm tải như mong muốn nhằm đạt chất lượng công việc hiệu quả nhất đồng thời không làm xáo trộn quá nhiều đến tình hình chung.

Giữ cuộc trò chuyện tích cực

Trong suốt cuộc trò chuyện của bạn với cấp trên, hãy tránh tỏ ra tiêu cực. Với mục đích là thông báo với cấp trên về tình hình công việc dưới góc độ của một nhân viên, bạn chắc chắn không có ý muốn phàn nàn hay tỏ ra quá gay gắt. Bên cạnh đó tránh việc chỉ trích sếp giao cho bạn quá nhiều việc và cũng tránh sự so sánh khối lượng công việc của bạn với nhân viên khác. Hành động này không chỉ khiến mọi việc trở nên căng thẳng hơn mà sếp cũng sẽ không hài lòng khi cho rằng bạn đang không chú tâm vào công việc khi chỉ để ý đến đội ngũ nhân viên xung quanh. Bạn có thể nói điều gì đó như “Tôi không có đủ thời gian để chu toàn dự án XYZ, tôi lo ngại rằng tôi sẽ bị tụt lại phía sau và chúng ta sẽ không hoàn thành đúng thời hạn dự kiến”.

Tiếp tục theo dõi tiến trình công việc

Bất luận kết quả như thế nào thì bạn cần nhớ rằng một cuộc trò chuyện có thể không giải quyết ngay lập tức được một vấn đề lâu dài. Vì vậy, hãy dành thời gian để tiếp tục theo dõi giờ giấc và tiến trình các dự án bạn đang thực hiện. Thay vì cảm thấy tiêu cực và rơi vào khủng hoảng dẫn đến bỏ bê công việc, sức khỏe bản thân, lúc này bạn nên có kế hoạch điều chỉnh lại quy trình làm việc để đảm bảo rằng mọi thứ diễn ra suôn sẻ và bạn có cơ hội để tiếp tục tối ưu hóa năng suất làm việc bản thân.

Trên đây là 5 bước giúp bạn chia sẻ với sếp khi công việc quá tải. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn có được sự chuẩn bị sẵn sàng cả về tinh thần và chuyên môn để đạt được năng suất làm việc mong muốn.

Tiến Huy