Cuộc chạy đua của Facebook báo chí. Mỗi buổi sáng, công việc đầu tiên của ông X. – một nhà quản lý doanh nghiệp – là đăng nhập tài khoản Facebook rồi trong lúc vừa nhấm nháp ly cà phê vừa “duyệt tin” trên chiếc điện thoại di động. Ông không chỉ đọc và “like” các dòng “trạng thái” của bạn bè mà còn đọc những tin tức thời sự được bạn bè chia sẻ với ông hoặc được Facebook lọc ra từ các tờ báo mạng.

Bằng cách này, khi ngày làm việc bắt đầu, ông X. đã có được những thông tin thời sự cần thiết mà không phải mua báo như trước. Ông không nhớ bao lâu rồi ông không còn đụng tới tờ báo mới ra còn thơm mùi mực in dù có thời tờ báo là “món điểm tâm” thân thiết của ông, không có không được.

Từ báo in đến Facebook cách đọc báo đang thay đổi. Ảnh: internet.

Ông X. chỉ là một trong hàng triệu người trên hành tinh này có thói quen đọc tin qua Facebook, mọi lúc mọi nơi, bằng máy điện thoại di động. Báo The New York Times dẫn kết quả khảo sát của Pew Research Center (Mỹ) cho biết có 30% số người trưởng thành ở Mỹ tiếp nhận tin tức qua Facebook, còn số liệu của SimpleReach – một công ty nghiên cứu khác, cho biết với 1,3 tỉ người dùng, Facebook là nguồn dẫn khoảng 20% số người đọc đến trang tin tức của các tờ báo và tạp chí. Còn nếu tính số người đọc báo bằng thiết bị di động thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều và đang tiếp tục tăng mạnh.

Từ báo in đến Facebook cách đọc báo đang thay đổi. Người dùng Facebook không chỉ nhận tin tức một cách thụ động từ bạn bè mà còn chủ động chia sẻ với cộng đồng những tin tức mà họ cho là thú vị, từ một bài viết về một cách chữa bệnh, chăm sóc trẻ em hay tin tức về những biến cố lớn trong dòng thời sự. Ngoài ra, Facebook còn “lựa chọn” giúp cho người đọc những tin tức mà có thể họ quan tâm dựa trên lịch sử đọc và “like” của người đó.

Sự thay đổi lớn nhất có lẽ là với Facebook, nghề báo đã bắt đầu được “xã hội hóa”, theo nghĩa mọi người đều có thể góp phần tạo ra và phổ biến tin tức trong cộng đồng; báo chí không còn là lãnh địa riêng của các nhà báo.

Trước Facebook, nhiều dịch vụ tin tức trực tuyến khác như Google News cũng giúp người đọc chọn tin tức theo sở thích và mối quan tâm cá nhân, nhưng phải đến Facebook thì tính tương tác trong tiếp nhận và chia sẻ tin tức trong cộng đồng mới được hiện thực hóa một cách trọn vẹn và hấp dẫn.

“Facebook đang ở trên tuyến đầu của một sự thay đổi có tính nền tảng về cách mà con người tiếp cận báo chí. Giờ đây phần lớn độc giả đến với báo chí không phải qua bản in của các báo và tạp chí hoặc qua trang chủ của báo điện tử mà qua mạng xã hội và dịch vụ tìm kiếm vận hành nhờ các thuật toán – những công thức toán học có thể dự báo người đọc muốn đọc cái gì”, tờ The New York Times nhận định.

Thay đổi cách tiếp nhận tin tức của người đọc đang tác động mạnh đến báo chí, buộc người làm báo phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới. Trước tiên, các tòa soạn quan tâm nhiều hơn tới từng bài báo thay vì tới toàn số báo (với báo in) hoặc tới trang chủ (với báo điện tử) như trước. Cory Haik, biên tập viên cao cấp trang điện tử của báo The Washington Post, nhận xét: “Người đọc không còn truy cập địa chỉ washingtonpost.com để đọc báo nữa mà họ đọc từng bài có trong kết quả tìm kiếm hoặc được chia sẻ trên mạng xã hội”. Ông Edward Kim – nhà sáng lập Công ty SimpleReach đánh giá các trang chủ (homepage) chỉ như là công cụ quảng cáo thương hiệu chứ không còn là “điểm đến” của người đọc như trước.

“Facebook đang ở trên tuyến đầu của một sự thay đổi có tính nền tảng về cách mà con người tiếp cận báo chí.”. Ảnh: internet.

Cách viết báo cũng phải thay đổi cho phù hợp với phương tiện truyền tải mới là điện thoại di động và máy tính bảng. Những bài phân tích dài vài ba ngàn chữ dần dần bị thất thế so với những tin ngắn vài trăm chữ kèm theo các biểu đồ và hình ảnh bắt mắt.

Vai trò “bộ lọc tin tức” của các biên tập viên, chủ bút – những người quyết định nên đăng hoặc không đăng những tin bài nào đó – cũng bị giảm nhẹ so với trước kia. Thật ra, quyền chọn lựa và xuất bản tin tức vẫn thuộc về các nhà báo nhưng tin tức đó có được lan truyền rộng rãi trong xã hội, có tạo thành dư luận hay không bây giờ phụ thuộc rất nhiều vào Facebook và các mạng xã hội. Những bài báo hay, xuất sắc nhưng nếu không được chia sẻ trên mạng xã hội thì cũng chỉ đến được một số lượng người đọc khiêm tốn.

Thay đổi cách tiếp nhận tin tức của người đọc đang tác động mạnh đến báo chí, buộc người làm báo phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới.
Và thế là hình thành mối quan hệ hợp tác mật thiết giữa các cơ quan báo chí và mạng xã hội, quan hệ mà các nhà lãnh đạo Facebook cho là đôi bên cùng có lợi: Facebook trở thành kênh truyền tải tin tức chính của xã hội, còn các tòa soạn báo thông qua Facebook mà thu hút người đọc, tăng lượng “view”, từ đó tăng doanh số quảng cáo và tăng lượng người đọc đăng ký mua báo dài hạn. Nhiều tòa soạn báo, kể cả các báo lớn như The New York Times, The Washington Post… vẫn thường xuyên làm việc với các kỹ sư của Facebook để thảo luận cách thức nâng cao lượng truy cập báo từ mạng xã hội.

Sự thay đổi lớn nhất có lẽ là với Facebook, nghề báo đã bắt đầu được “xã hội hóa”, theo nghĩa mọi người đều có thể góp phần tạo ra và phổ biến tin tức trong cộng đồng; báo chí không còn là lãnh địa riêng của các nhà báo. Sự thay đổi này mang lại cơ hội nhưng cũng là một thách thức lớn cho báo chí nói chung và cho các nhà báo nói riêng!

* Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM
VPGD: Tầng 15, Tòa Nhà HL Tower, Số 82 Duy Tân, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Phone: 039.272.6666
Tel: 024.6689.7777 / 024.6689.7777
E-Mail: info@brandcom.vn
Văn Phòng HCM
Tầng 12 Tòa Nhà ACB Tower, Đường CMT8, Phường 11, Quận 3, TP HCM
Hotline: 0356.333.555
E-Mail: vphcm@brandcom.vn