Làm việc dưới áp lực là kỹ năng quan trọng của bất kì nhân sự nào nếu muốn có thành tựu trong sự nghiệp. Tại buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng nào cũng muốn biết, ứng viên đối diện với áp lực ra sao và vượt qua nó như thế nào để từ đó đánh giá năng lực, khả năng phát triển của ứng viên.
Với tầm quan trọng đó, khi trả lời câu hỏi: “Khả năng chịu áp lực công việc của bạn ra sao?”, bạn cần khéo léo để nhà tuyển dụng thấy được năng lực, phẩm chất của một nhân sự xuất sắc trong tương lai.
Không ít các vị trí tuyển dụng ở TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng trên CareerLink đòi hỏi ứng viên phải có khả năng chịu áp lực cao. Vậy đâu là gợi ý trả lời khi gặp câu hỏi này?
Sẵn sàng chịu áp lực
Hiện nay, khả năng “đề kháng” của các bạn trẻ trước những việc khó, việc áp lực thực sự không cao. Xu hướng nghỉ việc trong thời gian ngắn, nhảy việc liên tục minh chứng điều này. Vì thế, điều đầu tiên bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy là khả năng sẵn sàng đối mặt với áp lực công việc.
Bạn hiểu rõ thực trạng thị trường lao động, sự cạnh tranh gay gắt giữa các ứng viên, các nhân sự ngày càng giỏi và toàn diện. Bạn hiểu áp lực công việc xuất hiện ở các vị trí, mọi doanh nghiệp. Thừa nhận điều này, nó cho thấy tinh thần sẵn sàng đối mặt với áp lực và sẽ tìm cách vượt qua nếu đó là công việc bạn muốn theo đuổi.
Nhà tuyển dụng đánh giá cao ứng viên có tinh thần này. Họ tin với sự thấu hiểu và quyết tâm đó, bạn có khả năng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Áp lực phù hợp sẽ là động lực
Không phải áp lực nào cũng tốt. Áp lực tiêu cực sẽ mang lại kết quả không tốt, bạn dễ bị stress và khiến bạn sớm từ bỏ. Do đó, bạn cần cho nhà tuyển dụng hiểu tinh thần sẵn sàng đối diện áp lực nhưng phải là áp lực phù hợp.
Phù hợp ở đây được hiểu là sự phù hợp với vị trí công việc và với khả năng “chịu đựng” của nhân sự. Khi đó, áp lực sẽ thành động lực để bạn phấn đấu, tạo hiệu quả cho công việc. Đồng thời nó giúp bạn có thêm kỹ năng, kinh nghiệm mới để phát triển bản thân.
Câu trả lời như vậy khẳng định bạn không những sẵn sàng mà còn chủ động lựa chọn công việc áp lực. Đồng thời nó cũng cho thấy, bạn có khả năng đạt thành tựu cao trong các tình huống áp lực.
Cho nhà tuyển dụng thấy cách vượt qua áp lực
Dù bạn thể hiện tinh thần sẵn sàng với áp lực nhưng điều thuyết phục nhà tuyển dụng hơn cả là cách vượt qua áp lực.
Để trả lời nhà tuyển dụng, hãy lấy ví dụ cụ thể, có tính thực tiễn cao để chứng minh khả năng vượt qua áp lực công việc. Chẳng hạn như nói về thời điểm bạn được giao một nhiệm vụ khó và từng bước giải quyết để hoàn thành công việc đó. Bằng cách này, nhà tuyển dụng sẽ đo lường được “mức độ” chịu áp lực của bạn. Họ cũng biết bạn đã quen nhịp độ căng thẳng trong công việc ra sao.
Với ứng viên mới tốt nghiệp thì bạn cũng đừng quá lo lắng. Vì dù là công việc làm thêm hay trong học tập cũng không thiếu áp lực. Bạn chỉ cần tự tin chia sẻ về những việc giúp vượt qua thời điểm khó khăn. Nó có thể bắt đầu từ cách bạn xác định áp lực đến từ đâu, ai sẽ hỗ trợ, tới nỗ lực hành động và kết quả nhận được.
Biết cách tạo sự cân bằng
Không phải ai cũng chịu được áp lực trong thời gian dài, nhất là khi có quá nhiều áp lực cùng lúc. Chỉ có tự cân bằng giữa các công việc, giữa công việc với cuộc sống mới giúp bạn duy trì được khả năng chịu áp lực trong thời gian dài. Bạn đừng quên chia sẻ điều này với nhà tuyển dụng.
Ví dụ, bạn cần hoàn thiện 3 dự án lớn trong cùng một tuần. Nhưng do đã lên kế hoạch, lịch trình cho từng dự án, chia ra các việc nhỏ và thực hiện theo đúng kế hoạch nên bạn vẫn hoàn thành mục tiêu. Thậm chí bạn còn dư thời gian để xem xét lại các dự án một cách chỉn chu nhất. Đó là cách cân bằng trong công việc.
Còn trong cuộc sống, bạn có sự phân bổ thời gian hợp lý cho các hoạt động như nghe nhạc, đọc sách, tập thể dục, chăm sóc gia đình… Thông qua hoạt động này, bạn sẽ loại bỏ được mệt mỏi, nạp năng lượng mới. Qua đó giúp bạn tăng cường khả năng chịu áp lực.
Ở phần chia sẻ này, bạn không nên đề cập đến một số hành động như nghỉ phép, mua sắm… để giải tỏa áp lực. Mặc dù đó là cách giúp bạn cân bằng nhưng lại là thói quen không được đánh giá cao dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng.
Trên đây là một số gợi ý khi trả lời câu hỏi: “Khả năng chịu áp lực công việc của bạn ra sao?”. Tất nhiên, mỗi ứng viên sẽ có một khả năng, ngưỡng chịu đựng áp lực khác nhau. Do đó, bạn cần hiểu rõ bản thân và xem nhà tuyển dụng thật sự quan tâm tới điều gì để cân nhắc đưa ra cách trả lời phù hợp.
Nguyễn Lý