Truyền thông là gì và cơ hội việc làm thế nào?. Ngành truyền thông là gì? Nhiều người vẫn thường lầm tưởng truyền thông (communication) là làm báo (journalism), làm quảng cáo (advertising) hoặc làm PR (public relations). Tất cả những nhận định trên đều không đúng, đó chỉ mới là một phần của ngành truyền thông. Cùng tìm hiểu bài viết sau để thấy được sự đa dạng đầy màu sắc của ngành truyền thông. Một số nhóm phổ biến của ngành được phân loại như sau: 1. Ngành truyền thông báo chí: (Journalism) Đa số người Việt Nam vẫn lầm tưởng và đánh đồng ngành truyền thông cũng chính là ngành truyền thông báo chí. Tuy nhiên báo chí chỉ là một phần trong lĩnh vực này thôi vì đây cũng là nhánh có lịch sử phát triển lâu đời nhất trong ngành truyền thông. Báo chí lại chia ra báo in, báo hình, báo điện tử, báo phát thanh. Công việc chủ yếu có hai mảng: phóng viên (đi lấy tin, phỏng vấn, chụp ảnh, quay phim, ghi âm, viết bài, làm bài trên video, băng ghi âm…). Ngành này (nếu là phóng viên thực thụ) đòi hỏi người làm việc phải có kiến thức nền tốt, nhanh nhạy, xông pha, không ngại ngần những chỗ khó những tranh đấu cho công bằng của xã hội và mang đến một cái nhìn rất rộng về xã hội xung quanh mình (vì lê lết gặp gỡ trò chuyện rất nhiều người trong vô số cảnh huống). Ngành báo chí khác ngành truyền thông ở chỗ “Sự Thật” là tôn chỉ hàng đầu, truyền thông thì có thể vô tư sáng tạo bay bổng nhưng báo chí thì không … Chính vì thế, trên thế giới, ngành báo chí là một mảng rất riêng, tách hẳn với ngành truyền thông, nhiều trường còn ghi rõ là chỉ dạy ngành báo chí, không dạy ngành truyền thông.
2. Ngành truyền thông thực hành: (Communication practice) Nhóm ngành truyền thông thực hành chủ yếu học ra để đi làm, trong đây có nhiều nhóm nhỏ như sau: Public Relations (PR) – Corporate Communication – Non-profit Communication.
Ngành truyền thông PR là ngành gây rất nhiều băn khoăn cho người học vì khá khó phân biệt. Nếu phân biệt kĩ trong các đầu việc truyền thông thì đây là nhánh ngành chuyên làm việc với báo chí (khác với làm event, làm quảng cáo). Tuy nhiên, rất nhiều lúc PR cũng được dùng để chỉ “làm truyền thông” nói chung, bao gồm tất cả. Mà dùng từ PR để chỉ “làm ngành truyền thông” cũng là một từ không hẳn đúng, đúng nhất có lẽ phải gọi là “marketing truyền thông” (marketing communication), “chiến lược truyền thông” (strategic communication), tức là làm việc thực hành, giúp cho các bên hiểu nhau thông qua các chiến lược, kế hoạch truyền thông. Trong lĩnh vực này lại phân nhỏ ra là “ngành truyền thông kinh doanh” (corporate communication) và “ngành truyền thông phi lợi nhuận” (non-profit communication). Hai mảng này có thể giống nhau về các bước làm việc (cũng đưa ra thông điệp, có hoạt động truyền đạt, có mục tiêu cần đạt được) nhưng bản chất và tinh thần trong từng bước cũng có sự khác biệt, ví dụ làm truyền thông cho thương hiệu X là muốn người tiêu dùng cảm thấy quen thuộc và muốn mua sản phẩm đó; trong khi làm truyền thông cho chống bạo hành trẻ em chẳng hạn, là muốn mọi người ý thức hơn và bảo vệ trẻ tốt hơn.
Corporate communication thì đã xuất hiện và phát triển khá mạnh ở Việt Nam, tuy nhiên, non-profit thì vẫn còn rất mới, ngành này không chỉ làm cho các NGO, các tổ chức bảo trợ xã hội mà còn mở rộng ra là cultural communication làm cho các tổ chức về văn hóa (đại sứ quán, trung tâm văn hóa các nước…), communication for public sector, làm cho nhà nước (truyền thông chính sách – cái này ở nước ngoài rất phát triển), tóm lại là cái gì không có mục tiêu thương mại là ở nhóm này, chủ yếu đánh vào thay đổi nhận định, ý thức, hơn là mua sắm tiêu dùng.
3. Ngành truyền thông Media/ Digital media Đây là nhóm ngành truyền thông kiểu dùng máy ảnh, máy quay phim, máy tính để dựng nên các sản phẩm truyền thông. Nhiều trường dạy ngành này bạn có thể hình dung như thế này, học để làm ra một bộ phim (có thể là phim tài liệu dạng báo chí hoặc là phim truyện bình thường, MV ca nhạc, TVC quảng cáo…) hoặc làm ra các đồ họa inforgraphic… Tóm lại là nếu nhóm 1 nhóm 2 như 2 mục trên làm Content Marketing thì đây là nhóm triển khai phần hình thức cho các nội dung đó, liên quan đến máy móc thông tin các loại và cũng rất cần sự bay bổng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm nghệ thuật, thu hút. Những người học ngành này là tương lai của ngành truyền thông trong thời đại đa phương tiện vì ai cũng cần làm cho thông tin trở nên đa dạng trong hình thức thể hiện cả. Một số vị trí công việc trong ngành này như: Designer, Motion Graphic Designer,…
4. Ngành nghiên cứu truyền thông (Communication Studies) Đây là ngành nghiên cứu nên khác với các nhóm trên, người làm lĩnh vực này không có động chân động tay làm sản phẩm, họ ngồi quan sát các hiện tượng cuộc sống đang diễn ra có liên quan đến truyền thông (ví dụ ủa sao người ta mê phim ảnh, nhạc Hàn Quốc quá vậy, ủa sao bây giờ ai cũng đọc tin trên FB thay vì trên báo chính thống, ủa sao chuyện chặt cây ở Hà Nội, dân họ dùng cách nào truyền thông phản đối mà riết Nhà nước cũng ngừng vụ chặt cây được hay vậy?…)
Sau đó thì họ phải đọc một đống sách đồ sộ trên thế giới, tùy theo từng ngành (báo chí, truyền thông văn hóa, truyền thông chiến lược, truyền thông phát triển, truyền thông sức khỏe, truyền thông thay đổi hành vi, truyền thông tâm lý, truyền thông nghệ thuật…) để tìm ra coi có những lý thuyết nào đã nói về vấn đề này, chuyện này đã xảy ra ở đâu rồi, tại sao nó xảy ra, xảy ra thì có ảnh hưởng gì tới con người. Tiếp theo là dùng cái kiến thức nền này chế ra những câu hỏi đi phỏng vấn những người tham gia vào quá trình truyền thông trực tiếp để tìm ra lý do thật sự, rồi đối chiếu lại lý thuyết coi có đúng không, có gì cần thay đổi, chỉnh sửa cho thực tế và cả đám sách đó không? Nghe có vẻ “ăn không ngồi rồi” nhưng thực tế làm rồi mới thấy chuyện xây dựng nền tảng cho truyền thông bằng nghiên cứu là vô cùng quan trọng. Bạn biết người ta hay đọc Facebook lấy tin tức, nhưng họ lấy những tin gì, lấy lúc nào và chia sẻ lại ra sao, cái này không làm nghiên cứu, cứ phỏng đoán thì khi làm communication practice bạn sẽ rất dễ làm sai, làm kiểu phập phù hên xui. Cũng như làm báo, mà bạn không hiểu được thông tin này nằm dưới quyền kiểm soát của ai, thông tin dễ bị cái gì ảnh hưởng bóp méo thì làm sao bạn đấu tranh được cho những cái là Đúng.
Cái nhà xây mà không có nền tảng thì không bao giờ đứng vững hay xây lên cao được. Một minh chứng sống động nhất là các báo chí truyền thông trên thế giới (nơi tập trung các nghiên cứu truyền thông), thì thấy số lượng báo chí khổng lồ nhất đến từ Mỹ và Hàn Quốc, và hai nước này thật sự là các đế chế truyền thông hiện nay trên thế giới với tầm ảnh hưởng cực kì mạnh từ các sản phẩm văn hóa của họ. Các sản phẩm này và các nghiên cứu truyền thông là một quá trình “con gà cái trứng” rất thú vị, từ sản phẩm tình cờ hay ho phất lên mà có nghiên cứu, rồi từ nghiên cứu mà làm ra vạn vạn sản phẩm hay ho khác một cách bài bản, khoa học, có đo lường tính toán đầy đủ.
Vài dòng ngắn như vậy mong rằng có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về ngành truyền thông là gì, ngành truyền thông có những ngách nhỏ như thế nào và khả năng của bạn phù hợp với ngành nghề nào. Chúc các bạn tìm được công việc như ý và thỏa sức đam mê với ngành truyền thông.
Nguồn: Sưu tầm
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM VPGD: Tầng 15, Tòa Nhà HL Tower, Số 82 Duy Tân, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Phone: 039.272.6666 Tel: 024.6689.7777 / 024.6689.7777 E-Mail: info@brandcom.vn Văn Phòng HCM Tầng 12 Tòa Nhà ACB Tower, Đường CMT8, Phường 11, Quận 3, TP HCM Hotline: 0356.333.555 E-Mail: vphcm@brandcom.vn