Nhận diện chuyên gia PR . Người làm PR cũng có thể là nhà tâm lý, nhà xã hội học, nhà đạo diễn, nhà thiết kế… Có được kiến thức tổng hợp này là lợi thế rất lớn đối với những người làm PR.
Nhà báo?
Điều này không có nghĩa, bạn phải tốt nghiệp các nghành có liên quan đến báo chí thì mới làm được PR. Mặc dù, công việc của ngành này có rất nhiều hoạt động “dính dáng” tới báo chí, truyền thông. Hàng ngày, bạn soạn thảo các thông tin báo chí, bạn phải sử dụng các “kĩ năng nghiệp vụ” của một nhà báo để làm sao thông tin của bạn hấp dẫn các biên tập trong một mớ thông tin mà họ nhận được từ nhiều nơi gửi về.
Kỹ năng báo chí được vận dụng nhuần nhuyễn cho một thông cáo báo chí có nghiã là bạn phải biết cách tạo ra sự thu hút từ thông tin của bạn. Tối thiểu nhất, thông cáo báo chí đó phải được thể hiện là một thông tin đầy đủ, không thừa nhưng cũng không thiếu.
Cấu trúc “chuẩn” của một thông cáo báo chí thường được xem như cấu trúc của một mẫu tin, thường là theo kiểu tam giác đều: những thông tin quan trọng nhất để lên truớc. Thông cáo báo chí phải đáp ứng đủ 5 yếu tố: Ai (Who),Việc gì (What), Ở đâu (Where), Khi nào (When) và tại sao (Why).
Ngoài ra, một phần không thể thiếu được là phần ghi địa chỉ liên lạc cụ thể như tên, chức danh, số điện thoại liên lạc. Những chi tiết này phải được ghi rõ ràng và in đậm ở cuối bài viết, nhằm gây nên sự chú ý cho các biên tập. Đó là những thao tác chính khi viết thông cáo báo chí. Công việc này đòi hỏi bạn phải rèn luyện khả năng viết lách, cũng như những kỹ năng cần thiết để tạo nên sức hấp dẫn cho thông tin của bạn.
Cũng liên quan đến truyền thông, đó là khi ban tổ chức các buổi phỏng vấn dành cho họ. Để các cuộc phỏng vấn tiếp xúc với các nhà báo thành công, tốt nhất là bạn hãy đặt mình vào vị trí của họ. Như thế, cuộc nói chuyện của bạn sẽ đi đúng hướng và đạt hiệu quả tốt nhất, không rơi vào tình trạng “cà kê dê ngỗng”, vừa mất nhiều thời gian, vừa tạo nên tâm lý mệt mỏi cho cả phía phỏng vấn lẫn bên người đại diện được phỏng vấn.
Nhiều người sau một thời gian làm báo đã chuyển hẳn sang lĩnh vực PR. Phẩm chất mà họ được thừa hưởng nhiều nhất ngoài yếu tố kỹ năng của một phóng viên, đó là sự năng động, tự tin và một bản lĩnh rất cứng cỏi. Sự gần gũi giữa PR và báo chí là cơ hội mở rộng nghề nghiệp đối với các sinh viên báo chí khi ra trường, cũng như các phóng viên muốn tạo ra sư thay đổi trong lĩnh vực nghề nghiệp.
Nhà ngoại giao?
Nói đến ngoại giao là nói đến tài ăn nói, khả năng thuyết phục cũng như sự ứng biến linh động của những người làm công tác này. PR là nghề cũng mang tính thương thuyết, đàm phán và thuyết phục cao. Vì vậy, một nhân viên PR không thể không có hoặc quá non yếu về mặt ứng xử, giao tiếp. Trong khi làm việc với khách hàngcũng như các đối tác khác, nếu tỏ ra nhút nhát, lúng túng thì bạn dễ bị mất điểm trước “phe họ” mặc dù dịch vụ của bạn thực tế có tốt đến bao nhiêu đi nữa, trong những trường hợp cần thiết phải thuyết minh về dịch vụ của mình, nêu bạn “ăn không nên đọi, nói không nên lời” thì việc bị loại khỏi cuôc chơi là điều dễ hiểu.
Cũng có những trường hợp bạn phải đối mặt với giới truyền thông để giải trình các vấn đề có liên quan đến “thân chủ” của bạn, cách xử lý các vấn đề thông minh, sắc sảo sẽ “bẻ gãy” được những câu hỏi gai góc và nhạy cảm. Chính điều này khiến nhiều người vẫn lầm tưởng, PR là công tác đối ngoại của một tổ chức, một công ty nào đó, mặc dù nó chỉ là một phần trong đó mà thôi.
Những người làm PR cho các doang nghiệp có thể đóng vai trò là người phát ngôn cho doanh nghiệp đó. Với trọng trách này, bạn phải là người biết nói những gì nên nói, có thể “nói chậm” nhưng suy nghĩ phải nhanh, linh động và khôn khéo xử lý các tình huống dễ bị rơi vào “bẫy”. Một “nhà ngoại giao” cũng phải thật tinh ý để có thể làm chủ được hoàn cảnh mà không làm mất lòng các đối phương khác.
Chuyên gia marketing?
Kiến thức marketing là điều không thể thiếu được đối với công tác PR tổng hợp. Phần lớn các nhân viên PR là hoạt động “phủ sóng trên diện rộng” với các ngành nghề có liên quan đến việc kinh doanh. Vì thế bạn cũng phải trang bị cho mình vốn kiến thức nhất định về marketing để không những giải quyết các vấn đề khách hàng mà còn tư vấn cho họ cả chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên khi bạn đủ trình độ để có thể hỗ trợ khách hàng trong các quyết định quan trọng thì đó cũng là lúc bạn không còn là một nhân viên PR bình thường. Đảm nhiệm những trọng trách tư vấn chiến lược cho khách hàng khi bạn đã thực thụ chính chắn và trình độ để đối phó với tất cả các vấn đề. Lúc đó, tầm nhìn của bạn, hẳn nhiên là phải vượt xa các nhân viên PR bình thường khác. Khách hàng của bạn có thể tin cậy giao phó cho bạn phụ trách một phần sự ‘sống còn’’ của công ty mình.
Vậy, nếu không tốt nghiệp các trường kinh tế, maketing hoặc các ngành có liên quan thì bạn có thể đến với nghề PR không? Bạn nên nhớ không phải bất kỳ ai, thậm chí cả những người được đào tạo bài bản về chuyên môn cũng có được “độ chín’ nhất định như thế. Những người đã đạt đến cái “ngưỡng” này, hẳn nhiên là họ cũng có những ngày đầu tiên. Vì thế, bạn cũng đừng quá lo lắng khi “vốn liếng” của mình còn ít ỏi. Nếu bạn chịu khó học hỏi và không ngừng tích luỹ, cập nhật thông tin, dần dần vốn hiểu biết sẽ trở nên giàu có và phong phú.
Và các “nhà” khác….
Ngoài những “nhà” trên, một người làm PR cũng có thể là nhà tâm lý, nhà xã hội học, nhà đạo diễn, nhà thiết kế… Có được kiến thức tổng hợp này là lợi thế rất lớn đối với những người làm PR. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai là PR cũng phải nhuần nhuyển các lĩnh vực nói trên. Điều này chỉ để nói rằng, một nhân viên PR, đôi khi không cần phải hiểu một cách tường tận mọi “ngóc nghách” của cuộc sống, nhưng nếu bạn có được tầm hiểu biết rộng thì sẽ là lợi thế lớn cho công việc của một chuyên viên giao tế.
Trong kinh doanh, việc nắm bắt được tâm lí của khách hàng, tâm lí các đối tác làm ăn, các đối thủ cạnh tranh, thái độ của nhà đầu tư…thì có thể phần thắng đã nghiêng về bạn một nửa. Đây cũng là một trong những cái “nhạy” của người làm PR. Nếu họ biết phân tích các yếu tố tâm lí trong chiến lược kinh doanh hoặc những chương trình quảng bá lớn của khách hàng thì cơ hội thành công lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, các yếu tố về con người, yếu tố môi trường, văn hoá, giáo dục, y tế, chất lượng cuộc sống…cũng là những nhân tố gián tiếp ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Vì vậy, tầm nhìn của một nhà xã hội học sẽ đóng góp thiết thực cho công việc của bạn. Qua việc xem xét các yếu tố đó, bạn sẽ bổ sung vào kế hoạch của mình những lưu ý cần thiết khi thực hiện các chương trình có liên quan, nhằm phát huy các lợi thế, tranh thủ cảm tình của công chúng, đồng thời tránh những rủi ro, những sự cố ngoài ý muốn.
Như vậy, “n nhà” “trong một” này chính là sự hiểu biết rộng của một chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ công chúng. Không hẳn “nhà” nào bạn cũng phải “thông tỏ đường đi lối về” của nó. Những hiểu biết cơ bản sẽ khiến bạn tự tin hơn trong mọi tình huống. Vậy, tính chất nghề nghiệp đòi hỏi phải am tường nhiều lĩnh vực như thế liệu có là bức rào cản đối với bạn, trong khi bạn mới chỉ là một sinh viên mới ra trường, hành trang chỉ là những kiến thức hết sức tổng quát từ những năm đại học?
Nghề PR đòi hỏi bạn phải liên tục tìm hiểu những thông tin mới về nhiều lĩnh vực nếu bạn không muốn mình bị tụt hậu. Tuy nhiên, quá trình làm việc, những va chạm thực tế, những thử thách sẽ khiến bạn trưởng thành nhanh chóng nếu bạn thực sự có tinh thần cầu tiến và ham học hỏi.
Bước khởi đầu của PR, tuỳ từng vị trí để bạn chọn lựa sao cho phù hợp với khả năng của mình. Sẽ không phải là sự thật đối với tất cả mọi người. PR là cánh cửa luôn mở, nó không phải là “tấm chăn” để mọi người phải “co kéo”, giành giật nhau để cho vừa vặn với khả năng và niềm đam mê của mình. Thời gian đầu, cũng như bao nhân viên học việc khác, ban sẽ được giao những công việc phù hợp. Khi bạn đã quen với công việc và môi trường, quên với thử thách, nếu muốn gắn bó với nghề, tự bản thân bạn sẽ biết làm gì và nên làm như thế nào…
Nhiều người vẫn hiểu PR là một trong những “nhà” này, hẳn là điều không khó lí giải. Bởi PR là nghề mà nhiều nghề khác thấy mình có “dính dáng” chút ít trong đó. Nó là sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, PR vẫn là PR. Nó là chiếc cầu nối giữa các tổ chức với công chúng của họ, là thành phần không thể thiếu được trong kinh doanh hiên đại.
Nếu bạn có dịp đến phi trường, hẳn bạn sẽ không quên hình ảnh nữ tiếp viên duyên dáng, xinh đẹp, các nam tiếp viên khoẻ mạnh, lịch sự với phong thái nhanh nhẹn, chuyên nghiệp, nụ cười tươi tắn thường trực. Cũng tương tự như thế, bạn vào bất kì một khách sạn, một ngân hàng, hoặc một cơ quan nào đó, hầu như bạn có thể nhận ra phong cách của họ qua trang phục, cách làm việc của mỗi tổ chức đó. Nhìn vào họ, lập tức bạn sẽ nhân ra họ là ai và đang làm nghề gì.
Với nghề PR bạn có thể “nhận diện” họ qua các “nhà” kế bên. Tuy nhiên, sẽ là cứng nhắc khi cứ phải nhất nhất hiểu họ là những người “na ná” như thế. Và thậm chí đôi lúc, bạn cũng không cần cố gắng hiểu thật kỹ về họ. Bởi họ chính là những người rất bình thường như bao người khác trong muôn nẻo đường nghề nghiệp. Chân dung của họ sẽ hiện lên bằng những gì họ thể hiện qua công việc hằng ngày.
Đối với họ, sức ép về thời gian là điều dễ nhận thấy nhất. Đừng ngạc nhiên nếu thấy họ phải vùi đầu vào công việc trong nhiều giờ, cố gắng kết thúc bài viết quan trọng cho khách hàng trong thời gian làm việc trong công sở đã hết từ lâu. Họ phải để tâm đến hoạt động của nhiều kẻ khác trong khi không có nhiều thời gian cho bản thân mình. Thật mỉa mai, nhưng đó là sự thật!
Điểm quan trọng nhất trong quan hệ công chúng nằm ở chỗ, PR thiết lập độ tin cậy của các nhóm khách hàng mục tiêu đối với một sản phẩm, một công ty hoặc một cá nhân nào đó bằng cách tận dụng ảnh hưởng của bên thứ ba – phương tiện truyền thông. Gần đây, phần lớn ảnh hưởng này được thực hiện thông qua sự tiếp xúc giữa con người với con người – giữa nhân viên phụ trách quan hệ công chúng với đại diện của hãng truyền thông, cụ thể là các nhà báo (báo viết, báo nói và báo hình). Đặc biệt trong thời đại ngày nay, mạng Internet với các tính năng ưu việt đã ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò và phương thức thực hiện PR.
Bản chất nghề nghiệp đã tạo ra cho họ một vẽ bề ngoài cũng không đến nỗi phải lẫn lộn với những nghề khác. Họ không thể hiện mình qua “màu cờ sắc áo” là các bộ đồng phục mà bạn vẫn thường thấy ở nhiều lĩnh vực khác. Vì thế ra đường bạn khó có thể “điểm mặt chỉ tên” họ. Trang phục cũng thể hiện cá tính của những người làm PR. Họ không bị ràng buộc bởi những gì tạo ra sự gò bó, trừ những lúc bạn là PR trong những tổ chức bắt buộc phải tuân theo quy chế chung. Đôi khi bạn có thể bắt gặp họ quần Jean áo thun, giày thể thao trẻ trung, khoẻ khoắn hơi “bụi bụi” chút ít, cũng có những lúc giản dị với quần tây, áo sơ mi, nghiêm trang với những bộ vest công sở cáu cạnh…
PR là nghề của sự sáng tạo, và vì thế, nó đối lập với những gì gò bó, khuôn khổ. Phong cách trang phục của họ phần nào nói lên đặc thù công việc mà họ đảm nhiệm. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn trái ngược với phong cách làm việc của họ, họ luôn là những người làm việc có tổ chức chặt chẽ. Bạn sẽ làm việc trong một môi trường tuy cởi mở nhưng cũng rất kỷ luật. Rõ ràng, bạn không thể lơi lỏng dù chỉ một phút với tiến độ công việc của bạn, vì nó không chỉ ảnh hưởng riêng tới bản thân bạn mà còn làm phương hại tới uy tín của tổ chức và quyền lợi của khách hàng.
Theo Văn Hóa – Cty Tinh Văn, NXB Trẻ
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM
VPGD: Tầng 15, Tòa Nhà HL Tower, Số 82 Duy Tân, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Phone: 039.272.6666
Tel: 024.6689.7777 / 024.6689.7777
E-Mail: info@brandcom.vn
Văn Phòng HCM
Tầng 12 Tòa Nhà ACB Tower, Đường CMT8, Phường 11, Quận 3, TP HCM
Hotline: 01656.333.555
E-Mail: vphcm@brandcom.vn