Báo chí chính thống là kênh kiểm chứng thông tin từ mạng xã hội . Vai trò của báo chí khi truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ? Mạng xã hội đang ngày càng phổ biến trong đời sống và không chỉ là kênh kết nối chia sẻ, giao lưu giữa các cá nhân. Trên thực tế, mạng xã hội đang có những tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Vắng bóng pháp lý
Theo thống kê từ Bloomerang, 87% người tham gia mạng xã hội lựa chọn đây là nơi liên hệ hoặc phản ánh các thông tin, vấn đề cá nhân và không chịu trách nhiệm pháp lý, song lại dễ dàng nhận được sự ủng hộ từ đám đông.
Do đó đối với các doanh nghiệp, mạng xã hội đã trở thành một trong những kênh quảng cáo, kinh doanh rất hiệu quả. Nhưng, mạng xã hội cũng có nhiều mặt trái, bởi đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho việc phát tán, chia sẻ những tin tức tiêu cực, gây kích động, thiếu khách quan và thậm chí là tin sai sự thật… và gây ra vụ khủng hoảng truyền thông cho thương hiệu đồng thời ảnh hưởng to lớn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
“Khả năng bị lợi dụng trên mạng xã hội là rất cao và ở đây cũng có nhiều điểm xấu, như những câu chuyện fake news (tin giả mạo) đôi khi được lan truyền nhanh hơn tin thật,” nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam cảnh báo.
Ông Minh đưa ra dẫn chứng về những tin giả mạo với những tác động lớn như trong câu chuyện đưa ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ.
“Tin giả mạo thu hút được người xem rất đông và thậm chí là nhiều hơn các tin thật, nó khiến cho người sử dụng không biết đi đường nào mà đúng. Người tham gia mạng xã hội phải tỉnh táo. Những nội dung đưa lên mạng xã hội thường vô thưởng, vô phạt và chiếm tỷ lệ khoảng 80-85%, còn những tin mục đích thực sự chiếm tỷ lệ khá nhỏ,” ông Minh nhấn mạnh.
Tự khai thác tự bảo vệ…

Nhà văn Vũ Phương Thanh (Gào) có số lượng người theo dõi trên mạng xã hội rất lớn và được bình chọn đứng vào Top 4 những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội trong 2 lĩnh vực Lifestyle và Parenting (tạm dịch: lối sống và nuôi dạy con cái) của Giải thưởng quốc tế Influence Asia 2017.

Báo chí chính thống là kênh kiểm chứng thông tin từ mạng xã hội

Tuy nhiên, Phương Thanh cũng chia sẻ mục đích ban đầu đến với mạng xã hội là bởi trong đời sống thực cô không có nhiều bạn bè, do đó cô lên mạng và chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận của mình về đời sống, xã hội.
Ban đầu khi có ít bạn bè theo dõi, Thanh có thể viết ra mọi thông tin mà không cần suy nghĩ, nhưng sau này số lượng người theo dõi lên tới cả triệu người thì Thanh cho rằng: “Mình cần ý thức hơn với những lời nói và khi viết gì cần phải suy nghĩ hơn. Bên cạnh đó, công việc kinh doanh của mình liên quan đến quảng cáo trên Facebook, Youtube, nên mạng xã hội vừa là nơi để chia sẻ đồng thời kết nối với khách hàng”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), ông Nguyễn Duy Hưng đến với mạng xã hội với lý do ban đầu là bảo vệ tên tuổi của chính mình. Ông Hưng cho biết: “Tôi bắt đầu sử dụng Facebook là do một người em nói hiện có nhiều tài khoản Facebook giả lấy tên tôi. Vì vậy, tôi nghĩ cần phải làm một trang Facebook thật để không bị làm giả. Ngành kinh doanh của tôi cần đến thông tin, liên quan đến những quan điểm chính thống từ tôi. Tính kịp thời, chính xác của thông tin rất quan trọng, tôi muốn trực tiếp nói ra. Không có kênh nào hợp lý hơn là mạng xã hội để đưa quan điểm của mình!”.

Không thể là cơ quan quyền lực thứ 5
Mạng xã hội đóng vai trò thay đổi rất lớn trong truyền thông, đặc biệt đối với báo chí. Nếu như trước đây, báo chí đóng vai trò kênh thông tin độc quyền, các tổ chức muốn truyền thông phải đi qua báo chí hay người dân gửi đơn thư cũng thông qua kênh này, thì hiện nay mạng xã hội đã làm thay đổi tất cả. Doanh nghiệp muốn quảng cáo, truyền thông không nhất thiết cần đến báo chí, người dân cũng có thể đưa những vấn đề và quan điểm cá nhân lên mạng xã hội, nơi thông tin luôn được tương tác đa chiều.
Vì thế một số người đang cho rằng mạng xã hội đang trở thành quyền lực thứ 5 sau báo chí. Tuy nhiên, ông Minh nhấn mạnh đó là quan điểm hết sức sai lầm.

“Báo chí ngoài thông tin còn có sự thẩm định thông tin, có tổ chức và hướng đến những điều tích cực còn mạng xã không có sự kiểm chứng, dễ dẫn đến sự náo loạn nhất định. Song, tôi nghĩ chúng ta không nên vì sợ mạng xã hội mà đứng xa, né tránh mà thay vào đó phải tham gia một cách chủ động,” ông Minh nói.
Bên cạnh đó, ông Minh cũng đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp không nên chỉ xem mạng xã hội là kênh truyền thông duy nhất mà cần phải duy trì các mối quan hệ với các cơ quan truyền thông. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thể truyền tải hệ thống thông tin chính thống, kéo dài và có quá trình, đây sẽ những những dữ liệu lịch sử giúp doanh nghiệp giải quyết, kiểm soát khủng hoảng khi có thông tin sai lầm xảy ra trên mạng xã hội.
Đồng tình với quan điểm trên, với tư cách là một doanh nhân, ông Hưng cho rằng: “Vai trò của báo chí chính thống sẽ duy trì sự cân bằng các dư luận xã hội, tuy nhiên báo chí cần phải cập nhật hơn, kịp thời đưa ra quan điểm của mình với những vấn đề nóng, càng nhanh càng tốt”.

Theo Vietnamplus

CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM
VPGD: Tầng 15, Tòa Nhà HL Tower, Số 82 Duy Tân, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Phone: 039.272.6666
Tel: 024.6689.7777 / 024.6689.7777
E-Mail: info@brandcom.vn
Văn Phòng HCM
Tầng 12 Tòa Nhà ACB Tower, Đường CMT8, Phường 11, Quận 3, TP HCM
Hotline: 01656.333.555
E-Mail: vphcm@brandcom.vn