Quyết định nghỉ việc là một trong những trải nghiệm mà hầu hết chúng ta đã từng trải qua ít nhất một lần trên con đường sự nghiệp. Mỗi người đều có những lý do riêng khi quyết định xin nghỉ việc, thế nhưng rời khỏi công ty như thế nào để vẹn toàn đôi bên, để lại ấn tượng đẹp và chuẩn bị một cách chu đáo nhất cho chặng đường sắp tới lại là một điều nên để tâm.
Rời khỏi công ty một cách gấp rút, không lời tạm biệt thì rất không nên, nhất là khi bạn là nhân sự lâu năm. Vậy thì trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi chính thức thông báo nghỉ việc, bạn nên chuẩn bị những gì để kết thúc một cách êm đẹp quãng thời gian làm việc tại công ty cũ? Hãy cùng tham khảo một vài gợi ý dưới đây nhé.
Tìm kiếm một công việc mới
Hầu hết các chuyên gia nhân sự đều khuyên chúng ta nên tìm kiếm một cơ hội mới và có ít nhất một phương án an toàn trước khi đưa ra quyết định nghỉ việc. Bạn nên thúc giục bản thân bắt đầu quá trình này càng sớm càng tốt, bao gồm việc làm mới CV, nộp đơn ứng tuyển và phỏng vấn.
Thông thường, khoảng thời gian thích hợp sẽ là từ 1 đến 2 tháng trước khi bạn thông báo nghỉ việc, nghĩa là bạn sẽ có tới 90 ngày để tìm công việc mới thông qua các tin đăng tuyển như việc làm đà nẵng mới nhất hôm nay hay tin tuyển dụng từ các thành phố lớn khác. Đương nhiên rằng bạn nên giữ bí mật về quá trình tìm việc mới này cho đến khi chính thức nộp đơn thôi việc nhé!
Tận dụng những ngày nghỉ phép còn lại
Đôi khi tại thời điểm nghỉ việc, bạn sẽ còn một số ngày phép kha khá chưa sử dụng đến. Thế nhưng không phải công ty nào cũng có chính sách quy đổi ngày phép dành cho nhân viên, hoặc có giới hạn số ngày phép tối đa được quy đổi mỗi năm. Nếu đang có ý định nghỉ việc, bạn hãy tranh thủ sử dụng hết số ngày phép này, bởi đó là quyền lợi chính đáng của bạn. Đây cũng là bước đệm nho nhỏ để mọi người, mọi việc “quen” với sự vắng mặt của bạn.
Chuẩn bị kế hoạch bàn giao công việc
Bàn giao công việc có thể là một quá trình phức tạp và khó khăn, nhất là đối với những vị trí quan trọng. Đây cũng là điều cuối cùng bạn có thể làm cho công ty của mình trước khi rời đi, vì vậy hãy cố gắng chuẩn bị và bàn giao mọi thứ thật chu đáo.
Bạn hãy sắp xếp và chuẩn bị sẵn những tài sản của công ty mà bạn đang sở hữu để tiện bàn giao sau này, bao gồm các tài khoản và mật khẩu, tài liệu bản mềm cũng như bản in, các biểu mẫu báo cáo, email, danh sách khách hàng và mọi thứ khác. Đừng quên lập biên bản bàn giao và yêu cầu chữ ký của các bên, để tránh các tranh cãi không đáng có sau này.
Sắp xếp cuộc hẹn trao đổi với sếp
Cuộc hẹn thông báo nghỉ việc với sếp – người trực tiếp dẫn dắt bạn lâu nay tuy không phải là một thủ tục bắt buộc, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. Bạn có thể giãi bày những tâm tư, khúc mắc của mình và giải thích lý do quyết định nghỉ việc. Hầu hết các nhà quản lý sẽ thông cảm, và điều này cũng giúp họ không bị bất ngờ khi nhận được thư xin nghỉ việc của bạn.
Lưu trữ lại những tài liệu cá nhân quan trọng
Có một sự thật là, chúng ta thường có thói quen lưu trữ tài liệu cá nhân trong máy tính công ty. Điều này thật khó tránh khỏi, nhưng bạn rất cần dọn dẹp và sao lưu lại những dữ liệu này trước khi nghỉ việc. Hãy ghi lại các tài khoản email và mật khẩu cá nhân được lưu trên máy tính công ty sau đó xóa đi. Tác vụ này giúp bạn tránh được tình trạng bị lộ hoặc mất dữ liệu, mất các tài khoản hay tệ hơn là bị đánh cắp thông tin.
Tổ chức buổi gặp mặt chia tay đồng nghiệp
Trước khi bạn chính thức rời đi, một bữa tiệc chia tay sẽ có vai trò kết nối và giúp bạn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với những người đồng nghiệp cũ. Buổi gặp mặt không cần thiết phải quá đông người hay phức tạp, đôi khi chỉ là một buổi liên hoan nhỏ với những người đồng nghiệp thân thiết nhất. Sau này, bạn sẽ nhận ra những ký ức về đồng nghiệp cũ thường sẽ lưu lại khá lâu, và buổi gặp mặt chia tay sẽ giúp mọi người nhớ về bạn với một ấn tượng tốt đẹp.
Viết thư cảm ơn và tạm biệt
Có lẽ, bất kỳ nền văn hoá nào cũng đều coi trọng lời cảm ơn và lời tạm biệt. Khi một nhân sự rời công ty, lá thư cảm ơn thể hiện sự coi trọng và thái độ biết ơn về quãng thời gian gắn bó với những người đồng nghiệp cũ. Hãy nhớ lại rằng bạn đã từng được mọi người giúp đỡ như thế nào khi mới vào công ty, vì thế khi ra đi, bạn cũng nên dành cho họ những lời chúc tốt đẹp nhất.
Khép lại một quãng đường trong sự nghiệp, bạn chắc hẳn sẽ có những tâm trạng vui, buồn lẫn lộn. Thế nhưng dù thế nào, quyết định nghỉ việc với một tâm thế chuyên nghiệp, lịch sự và đúng mực đôi khi còn quan trọng hơn những gì bạn đã làm trước đó. Hãy để lại một hình ảnh đáng mến trong tâm trí những người ở lại, và chuẩn bị những hành trang thật tốt đẹp cho chặng đường sắp tới nhé. Chúc bạn sớm gặt hái được nhiều thành công.