Khi nhà tuyển dụng hỏi “Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?” trong buổi phỏng vấn xin việc là lúc bạn nên tận dụng cơ hội tìm hiểu thông tin và thể hiện điểm mạnh của riêng mình. Qua việc đặt câu hỏi, họ muốn biết liệu bạn có xu hướng quan tâm đến vấn đề gì cũng như bạn có sự khác biệt thú vị nào hay không. Do đó bạn nên nghiên cứu trước để đưa ra các câu hỏi có giá trị, bên cạnh đó cũng cần tham khảo để tránh các câu hỏi gây mất điểm.

Sau đây là 7 câu hỏi bạn không nên đặt ra cho nhà tuyển dụng nếu không muốn “bị loại” sớm.

Mức lương của tôi bao nhiêu? Sau mấy tháng sẽ tăng lương 1 lần?

Hỏi về mức lương là câu hỏi chính đáng, người lao động muốn biết về lương và lộ trình tăng lương định kì để định mức liệu mình có thể làm việc hay không. Tuy nhiên có nhiều cách để thăm dò mức lương, mà cách tốt nhất là để nhà tuyển dụng tự đưa ra mức lương trước khi bạn thắc mắc. Đó có thể là chính trong tin đăng tuyển trên trang tìm kiếm việc làm đã có mức lương kèm theo, hoặc thời điểm kết thúc cuộc phỏng vấn hay thư mời nhận việc.

Đặt câu hỏi về mức lương khi chỉ đang trong quá trình phỏng vấn được xem là không phù hợp. Nhà tuyển dụng sẽ hiểu rằng bạn nôn nóng muốn biết về lợi ích của mình trước khi mang lại lợi ích (lợi nhuận) cho công ty.

Công ty có tổ chức các kì nghỉ cho nhân viên không?

Hãy nỗ lực ghi điểm bằng những câu hỏi thông minh và khéo léo chứng tỏ bạn là người nhiệt huyết với công việc, nghiêm túc và có trách nhiệm. Bạn có thể tham khảo thông tin về các buổi tiệc, kỳ nghỉ hay các chế độ phúc lợi khác từ nhiều nguồn khác nhau như tin đăng tuyển, đồng nghiệp, quản lí… sau khi bạn vào làm chứ không nên hỏi trực tiếp trong cuộc phỏng vấn.

Đừng để nhà tuyển dụng cho rằng bạn là người coi trọng việc hưởng thụ trước khi thể hiện được năng lực của mình.

Tôi có phải làm thêm giờ hay làm vào cuối tuần không?

Đừng quá quan tâm đến giờ làm việc, ngày nghỉ nếu không nhà tuyển dụng cho rằng bạn là người lười biếng và tính toán quá chi li, hoặc bạn là người thụ động, rập khuôn, kém sáng tạo. Một người quá quan trọng giờ làm việc thay vì quan tâm đến năng suất, hiệu quả cho công ty sẽ bị hiểu là biểu hiện của người thụ động.

Mặc dù mục đích hỏi của bạn đôi khi nhằm để sắp xếp và cân bằng thời gian giữa công ty và gia đình, tuy nhiên nhà tuyển dụng có thể sẽ dựa vào đó để đánh giá ứng viên.

Đâu là đối thủ cạnh tranh của công ty?

Đừng thể hiện sự “ngô nghê” của mình với những câu hỏi này. Lĩnh vực hoạt động mũi nhọn của công ty, đối thủ, phân khúc khách hàng, đối tác… là tất cả những thông tin mà ứng viên phải tự tìm hiểu kỹ trước khi ứng tuyển. Đó không phải là vấn đề cần hỏi trong buổi phỏng vấn xin việc vì sẽ chứng tỏ bạn thiếu sự chuẩn bị. Và chắc chắn điều này sẽ khiến bạn bị đánh rớt.

Anh/ chị có thấy tôi phù hợp với vị trí tuyển dụng không?

Với câu hỏi này bạn đã tự đưa mình vào thế bị động. Nó thể hiện bạn là “lính mới” trong ngành, hoàn toàn không có kinh nghiệm. Tất nhiên nhà tuyển dụng sẽ không vội đưa ra ý kiến ngay lập tức. Đây là câu hỏi hoàn toàn vô nghĩa. Ngoài ra, giữa một số ứng viên tự tin và khéo léo khác, bạn sẽ bị xếp vào danh sách kém, thiếu tự tin. Thay vì hỏi điều này, bạn hãy tận dụng cơ hội để đặt những câu hỏi giá trị hơn. Hãy tự tin vào chính bản thân mình và tìm cách thể hiện những ưu thế nổi trội của mình để ghi điểm. Đó mới là cách đúng nhất để ngầm khẳng định không ai phù hợp với vị trí này hơn bạn.

Đây có phải là vòng phỏng vấn cuối cùng hay chưa?

Câu hỏi này có vẻ thừa thãi vì sau khi kết thúc buổi phỏng vấn, phía tuyển dụng sẽ ra thông báo cụ thể nếu như còn vòng tiếp theo. Câu hỏi này vô tình làm nhà tuyển dụng cho rằng bạn rất nôn nóng, vòng phỏng vấn đối với bạn là sự đối phó.

Ngược lại bạn nên tham gia với tâm thế thoải mái, sẵn sàng đón nhận các cuộc phỏng vấn tiếp theo nếu có và tỏ thái độ hào hứng khi được cơ hội gặp gỡ và chia sẻ với phía tuyển dụng. Hãy chứng tỏ mình rất có hứng thú khi được tìm hiểu về công ty, tiếp thị về bản thân và tự tìm kiếm cơ hội cho công việc mà mình yêu thích.

Có tất cả bao nhiêu ứng viên tham gia tuyển dụng?

Điều này hoàn toàn không quan trọng với ứng viên. Việc của bạn là thể hiện tốt bản thân của mình. Tiếp thị bản thân với năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng và tố chất phù hợp với môi trường công việc đang ứng tuyển. Còn nếu như bạn đặt câu hỏi để biết tỉ lệ chọi chứng tỏ sự lo lắng, thiếu tự tin và tìm hiểu các thông tin ngoài lề, thừa thãi. Hầu hết nhà tuyển dụng không đánh giá cao câu hỏi này.

Buổi phỏng vấn xin việc chính là một cách để nhà tuyển dụng và ứng viên chia sẻ về nhau. Với phương diện của người tham gia ứng tuyển, bạn cần biết câu hỏi nào nên đặt ra, mục đích hỏi là gì, qua câu hỏi đó bạn muốn truyền đi thông điệp gì về bản thân mình. Có như vậy bạn mới thuyết phục được nhà tuyển dụng.