Đội ngũ quảng cáo báo chí Cần và thiếu . Giống như báo chí, quảng cáo là một kênh thông tin từ phía nhà sản xuất, doanh nghiệp với bạn đọc, người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiếm người làm quảng cáo được đào tạo đúng chuyên ngành, bài bản và chuyên sâu.
Khi cung không gặp cầu
Một câu hỏi được đặt ra là có trường đại học nào đào tạo nhân viên làm quảng cáo hay không? Phải thưa ngay rằng có nhưng không nhiều. Nhưng điều khiến chúng ta băn khoăn lại là những khóa đào tạo đó không xuất phát từ các trường đào tạo báo chí. Khoa Báo chí của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thì co hẹp chuyên ngành quảng cáo trong một bộ môn với thời lượng 3 đơn vị học trình (ĐVHT, chiếm 45 tiết). Còn cái nôi lớn nhất đào tạo báo chí chuyên nghiệp là Học viện báo chí và tuyên truyền, theo ông Phạm Thảo, Phó trưởng ban Quản lý giáo dục: Bộ GD&ĐT đã ký quyết định cho phép mở ngành Quảng cáo từ năm 2005, tuy nhiên mãi đến kỳ tuyển sinh 2008 tới, trường mới chính thức tuyển 40 chỉ tiêu cho ngành học này, vì lo ngại không có học sinh đăng ký.
Các sinh viên học ngành Quảng cáo, ngoài những môn cơ bản cung cấp kiến thức nền, sẽ học 109 ĐVHT giáo dục chuyên nghiệp gồm các môn: Lý thuyết truyền thông, Công chúng truyền thông, Luật báo chí, Đạo đức truyền thông, Công cụ quảng cáo, Tạo dựng hình ảnh, Nguyên tắc quan hệ công chúng, Thông tin đối ngoại, Cơ sở Marketing, Quảng cáo và xã hội, Hành vi khách hàng, Quản lý và tổ chức quảng cáo, Sản xuất quảng cáo, Nguyên lý đánh giá quảng cáo…
Kỳ cựu hơn là bộ môn Quảng cáo trực thuộc khoa Marketing trường Đại học Kinh tế quốc dân nhưng cũng chỉ mới có tuổi đời khá non trẻ, 5 – 6 khóa tuyển sinh. Mỗi khóa học, sinh viên phải học 15 môn chuyên ngành: Hình họa, Pano – Ápphích, Lịch sử mỹ thuật, Biểu trưng, Logo, Quản trị thương hiệu, Quản trị – quảng cáo, Quay phim, Chụp ảnh, Tổ chức sự kiện, Nghiên cứu Marketing, Tâm lý quảng cáo, Marketing căn bản, Marketing dịch vụ, Hoạt động quảng cáo và xúc tiến hỗn hợp.

Đội ngũ quảng cáo báo chí Cần và thiếu

Trong khi không có nhiều trường đào tạo về chuyên ngành quảng cáo báo chí thì nhu cầu sử dụng nhân lực làm quảng cáo ở các cơ quan báo chí là rất lớn. Ít nhất ở một tạp chí cũng cần khoảng 1-2 nhân viên phụ trách quảng cáo. Ở các báo “có tiếng”, phòng quảng cáo thường gồm 10 người. Riêng hai đại gia trong lĩnh vực quảng cáo báo chí là Tuổi trẻ và Thanh niên (với hơn 40 trang quảng cáo trên mỗi số báo) thì có trên dưới 40 nhân viên làm trong phòng quảng cáo, chia thành những bộ phận khác nhau. Những con số đơn giản ấy cũng đủ nói lên một điều, rằng việc đào tạo nhân viên quảng cáo chưa thực sự đáp ứng đủ về số lượng cho các báo hiện nay.
Trái ngành, trái nghề
Anh Đào Xuân Hưng, phụ trách bộ phận quảng cáo của báo Người Hà Nội cuối tuần tâm sự: “Bản thân mình đã làm quảng cáo cho báo được hơn 4 năm nhưng hoàn toàn là dựa vào kinh nghiệm, học từ những người đi trước chứ không được đào tạo bài bản về ngành quảng cáo”.

Đội ngũ quảng cáo báo chí Cần và thiếu
Hiện nay bộ phận quảng cáo của báo Người Hà Nội cuối tuần có 6 người. Những bạn trẻ này chủ yếu học khoa Marketing của trường ĐH Ngoại thương, Kinh tế quốc dân. “Tiêu chí mà báo chúng tôi đặt ra khi tuyển người làm quảng cáo báo là phải tổ chức được sự kiện cũng như có khả năng thuyết phục khách hàng ký hợp đồng quảng cáo trên báo. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang gặp khó khăn vì nhân viên chưa quen với công việc, vẫn phải “cầm tay chỉ việc” là chính”. Anh Hưng cho biết thêm.
Phòng quảng cáo của báo Tiền phong cả trong Nam và ngoài Bắc có khoảng 20 người, hầu hết là học Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ. Nhân viên phòng này, anh Nguyễn Xuân Nam cho rằng: nghề làm quảng cáo kén người, không phải ai cũng làm được kể cả người có kiến thức về Marketing, vì nó còn phụ thuộc vào ngoại hình, khả năng giao tiếp, thông hiểu về báo chí. Ngay cả anh Nam làm quảng cáo được gần 10 năm, cũng thấy rất cần thiết phải được đào tạo bài bản, vì bản thân anh trước đó không có địa chỉ nào để học về nghề này. Thời gian đầu tiếp xúc với công việc, anh cũng gặp không ít khó khăn. Nghề quảng cáo với anh là nghề nhiều rủi ro, cần những người có đầu óc phải thật tinh và nhanh nhạy. Để làm tốt công việc, vị trí của mình, anh Nam đã phải tự học rất nhiều, thi thoảng anh còn tham gia những khóa đào tạo ngắn ngày của các tổ chức nước ngoài.
Định hình xu hướng
Chỉ vài ba năm trở lại đây, quảng cáo trên báo chí nói riêng và quảng cáo Việt Nam nói chung mới thực sự phát triển. Đánh giá vai trò của nhân viên quảng cáo, ông Lê Hoàng, TBT Báo Tuổi trẻ cho rằng: “Họ đang trực tiếp tham gia vào một công đoạn rất quan trọng là làm kinh tế cho tờ báo, làm tăng thu nhập cho báo”. Cả Báo Tuổi trẻ và Thanh niên, doanh thu từ quảng cáo hiện chiếm 2/3 tổng doanh thu. Ông Nguyễn Quốc Phong, Phó TBT Báo Thanh niên cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Phải công bằng mà nói, trong những tờ báo “sống” được, trừ một vài tờ lấy giá báo nuôi, còn lại đa số nhờ vào quảng cáo. Quảng cáo làm giảm giá thành báo, và cuối cùng người mua báo vẫn là người được hưởng lợi”.
Ý thức được điều đó, hiện nay bộ môn Quảng cáo của khoa Marketing trường Đại học Kinh tế quốc dân đang có kế hoạch sẽ phát triển thành một khoa độc lập. Hay như Học viện Báo chí và Tuyên truyền xác định: Quảng cáo cũng là một nghề cần phải được đào tạo một cách bài bản, ngành Quảng cáo của Học viện được thành lập, theo ông Phạm Thảo, là nhằm “đón đầu” nhu cầu của xã hội bởi chỉ vài năm tới nhu cầu lao động làm trong lĩnh vực quảng cáo sẽ rất lớn.

Theo Bưu Điện Việt Nam

CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM
VPGD: Tầng 15, Tòa Nhà HL Tower, Số 82 Duy Tân, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Phone: 039.272.6666
Tel: 024.6689.7777 / 024.6689.7777
E-Mail: info@brandcom.vn
Văn Phòng HCM
Tầng 12 Tòa Nhà ACB Tower, Đường CMT8, Phường 11, Quận 3, TP HCM
Hotline: 01656.333.555
E-Mail: vphcm@brandcom.vn