Hầu hết chúng ta thường đánh giá thấp tầm quan trọng của email xin nghỉ việc. Nhưng trên thực tế, email xin nghỉ việc cần được viết thật chuyên nghiệp để bạn có sự rời đi suôn sẻ, không để lại cảm xúc tiêu cực cho ai.

Dưới đây là một số điều cần tránh để có được kết quả đó, dù bạn đang muốn rời bỏ vị trí việc làm tiếng Nhật, kế toán, IT hay Marketing…

Những điều tiêu cực về công ty

Mọi người nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau như chuyển chỗ ở, tập trung cho việc học, thay đổi định hướng nghề nghiệp… Tuy nhiên, nếu lý do chính khiến bạn rời đi là vì bạn ghét công việc, sếp hay đồng nghiệp của mình, hãy đảm bảo rằng bạn không viết (hoặc nói) điều đó ra. Để lại những lời nói bức xúc cuối cùng chẳng những không khiến bạn thoải mái mà có thể ảnh hưởng xấu đến bạn trong tương lai.

Email xin nghỉ việc của bạn cũng không phải nơi thích hợp để trình bày những chuyện cá nhân, bất kể bạn thấy tệ như thế nào. Một email xin nghỉ việc nên tập trung vào bạn thay vì sếp hay đồng nghiệp của bạn.

Tuy hành vi của họ có lẽ đã góp phần lớn vào quyết định rời đi của bạn, nhưng việc đổ lỗi sẽ khiến bạn trông thật nhỏ mọn. Sau này khi bạn đi xin việc mới, nhà tuyển dụng có thể sẽ nghiên cứu về tiểu sử của ứng viên, và sẽ thật khủng khiếp nếu họ có mối quan hệ với sếp cũ của bạn – người bạn đã có những nhận xét không hay trong email xin nghỉ việc.

Quá nhiều cảm xúc

Bất kể cảm xúc của bạn là tích cực hay tiêu cực, nó đều sẽ khiến email xin việc của bạn trở nên kém chuyên nghiệp nếu bị thể hiện quá đà. Khi cảm xúc đang dâng cao thì bạn sẽ dễ truyền đạt sai cách vào email xin nghỉ việc. Nhưng hãy nhớ email xin nghỉ của bạn sẽ được lưu lại trong hồ sơ của công ty. Vì vậy, các nhà tuyển dụng tương lai có thể đọc nó nếu họ có mối quan hệ với công ty cũ của bạn. Vì vậy, đừng mạo hiểm đánh mất các cơ hội mới chỉ vì một lần không kiềm chế được cảm xúc. 

Mặt khác, nếu bạn rời đi mặc dù có mối quan hệ tốt đẹp với sếp và đồng nghiệp, cũng đừng quá xúc động mà kể ra hàng tá kỷ niệm trong email của bạn. Hãy để dành cảm xúc cá nhân cho những buổi trò chuyện trực tiếp hoặc buổi tiệc chia tay công ty. Email xin nghỉ việc cần ngắn gọn, rõ ràng, nghiêm túc hết sức có thể.

Thông tin không cần thiết về dự định tương lai

Kế hoạch sự nghiệp trong tương lai của bạn không liên quan gì tới công ty cũ, nên bạn không cần phải đề cập tới nơi bạn sẽ chuyển đến, bao giờ bạn đi làm hay chế độ phúc lợi của bạn. Như đã nói phía trên, email xin nghỉ việc nên ngắn gọn và đi vào trọng tâm.

Nó chỉ nên nêu rõ khi nào bạn rời đi và vắn tắt những điều bạn đã nhận được từ công ty trong thời gian qua. Những chia sẻ cụ thể về định hướng của bản thân bạn sẽ phù hợp hơn với một buổi nói chuyện trực tiếp với sếp diễn ra trước khi bạn gửi email thôi việc.

Lỗi chính tả và ngữ pháp

Một email xin nghỉ việc trình bày cẩu thả, đầy lỗi chính tả chứng tỏ rằng bạn đã hoàn toàn mất động lực và việc bạn ra đi là một quyết định đúng đắn. Hãy thể hiện sự tôn trọng cuối cùng cho công ty bằng một email chỉn chu, được đầu tư thời gian chỉnh sửa, ngôn từ chuyên nghiệp, thân thiện.

Xin nghỉ việc quá gấp gáp

Cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng, đừng tự ý gửi một email xin thôi việc mà không có sự báo trước với sếp hay quản lý của bạn. Bạn có thể bị coi là thiếu chuyên nghiệp hoặc không tận tâm nếu bạn từ chức mà không thông báo. Bạn cần đề đạt vấn đề với công ty từ 2 tuần – 1 tháng trước khi bạn thực sự rời đi. Trong thời gian đó, công ty sẽ có thể lên kế hoạch tuyển dụng và huấn luyện người mới.

Tất nhiên, sẽ có những trường hợp bất khả kháng khiến bạn phải dừng làm việc ngay lập tức. Tuy vậy, hãy cố gắng hỗ trợ công ty trong quá trình sắp xếp tìm kiếm người thay thế cho vị trí bạn để lại.

Tóm lại, nghỉ việc là một phần trong sự nghiệp của mỗi người và bạn có thể phải trải qua không ít lần xin thôi việc. Quy tắc vàng khi viết email xin nghỉ việc là chuyên nghiệp. Hãy nhớ rằng, những gì bạn viết và thái độ của bạn trong quá trình làm việc có thể ảnh hưởng đến triển vọng công việc trong tương lai.